Thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế tháng 2/2023 tại Hội nghị giao ban được tổ chức ngày 2/3, Tổng cục Thuế cho biết thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 105.200 tỷ đồng, đạt 7,7% dự toán, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, lũy kế 2 tháng 2023 thu ước đạt 325.780 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 314.986 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều khoản thu và sắc thuế đạt thấp
Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 18%); còn lại 8/20 khoản thu đạt dưới mức 18%.
Cùng với đó, có 11/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ; có 9/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ.
Có 15 địa phương đạt tiến độ thu thấp dưới 15% so với dự toán như Sơn La 9,5%; Hòa Bình 10,4%; Lai Châu 10,9%.
Qua thống kê, có 36/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (trên 18%).
Bên cạnh đó, có tới 27/63 địa phương đạt dưới 18% so dự toán, trong đó có 15 địa phương thu đạt thấp dưới 15% như Sơn La đạt 9,5%; Hòa Bình đạt 10,4%, Lai Châu đạt 10,9% dự toán.
Đối với kết quả thực hiện các chức năng quản lý thuế, tính đến cuối tháng 2, toàn ngành thực hiện được 3.596 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 4,49% kế hoạch năm 2023 (80.132 doanh nghiệp), bằng 83,4% so với cùng kỳ năm 2022; đồng thời, kiểm tra được 41.844 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 64,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù số cuộc thanh tra sụt giảm nhưng tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra lên tới 10.151 tỷ đồng, bằng 262% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền nộp vào ngân sách là 1.339 tỷ đồng, bằng 55,3% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Về công tác quản lý nợ thuế, thực hiện thu nợ thuế trong tháng 2 ước đạt 3.100 tỷ đồng, lũy kế tính đến cuối tháng 2 thu được 8.313 tỷ đồng.
Về công tác kê khai, kế toán thuế, hoàn thuế, tính đến cuối tháng 2, toàn quốc có 886.442 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 108 doanh nghiệp so với thời điểm cuối năm 2022.
Cũng theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 20/2, cơ quan thuế ban hành 2.203 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền thuế hoàn là 13.620 tỷ đồng, bằng 7% dự toán Quốc hội giao (186.000 tỷ đồng).
Sắp thành lập trung tâm cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử,khắc chế gian lận
Thông tin từ Tổng cục Thuế cũng cho thấy tính đến cuối tháng 2, số lượng hoá đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý là 3,1 tỷ hoá đơn điện tử, trong đó, 808 triệu hoá đơn điện tử có mã và 2,2 tỷ hoá đơn điện tử không mã.
Trong đó, có 2.904 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, đạt 74% kế hoạch triển khai giai đoạn 1, với số lượng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 522.859 hóa đơn.
Thực hiện chương trình "Hóa đơn may mắn", đến nay, 100% cục thuế hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý 2-3/2022 và 54/63 cục thuế hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý 4/2022, với 4.120 giải thưởng được trao đến tay người tiêu dùng.
Đối với việc thành lập “Trung tâm cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử”, hiện Tổng cục Thuế trình báo cáo Bộ Tài chính tại Tờ trình số 08/TTr-TCT về việc thành lập “Trung tâm cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử” thuộc Tổng cục Thuế.
Vì vậy, Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị có liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất yêu cầu nghiệp vụ phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử; rà soát, bổ sung hoàn thiện bộ chỉ số tiêu chí rủi ro, chống gian lận về hoá đơn điện tử; đối chiếu dữ liệu hoá đơn điện tử với tờ khai thuế giá trị gia tăng để sớm triển khai trung tâm phục vụ yêu cầu lưu trữ dữ liệu lớn (big data) theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, về công tác triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etax Mobile, kết quả đến ngày 17/2, có 246.825 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile với 187.577 giao dịch với tổng số tiền trên 6.733 tỷ đồng.
Về công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử, theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 17/2, có 46 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Với tổng số số thu lũy kế từ khi vận hành cổng vào ngày 21/3/2022 đến nay đạt trên 3.700 tỷ đồng; riêng số thu trong năm 2023 là 1.852 tỷ đồng.
Đối với Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, tính đến ngày 22/2, hệ thống vận hành ổn định, tiếp nhận dữ liệu kê khai từ các sàn thương mại điện tử gửi cơ quan thuế. Hiện có 295 tổ chức là chủ sở hữu sàn.
Diện tử hoá thu thuế,chống thất thu
Phát biểu tại hội nghị, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, cho biết dự toán thu ngân sách năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho ngành thuế là 1.373.244 tỷ đồng, vì vậy năm 2023, ngành thuế cần tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.
Để triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành nỗ lực, tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ cơ bản.
Thứ nhất,bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước trong tháng 3 và quý 1 /2023.
Thứ hai,rà soát, dự báo thu quý 2 phục vụ điều hành ngân sách và giao dự toán quý 2 cho các địa phương;
Thứ ba, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2023 khi Chính phủ ban hành.
Thứ tư,tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hoá đơn điện tử.
Thứ năm, đẩy mạnh áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hoá đơn điện tử, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng... nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
"Thứ sáu, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước; tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước", lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu.
Thứ bảy, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thủ tục hành chính thuế, các chính sách thuế mới, nội dung sửa đổi, bổ sung trong các chính sách thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành thuế các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế...
Thứ tám,tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hoá đơn điện tử.
Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
Thứ chín,tiếp tục triển khai theo tiến độ các đề án điện tử hóa như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; tiếp tục triển khai khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho ngân sách nhà nước là cá nhân, đặc biệt là tập trung tuyên truyền, phổ biến sử dụng ứng dụng Etax Mobile; nghiên cứu phương án kết nối với các ngân hàng thương mại để có đầy đủ dữ liệu về ngân sách nhà nước, đảm bảo kiểm soát đầy đủ thu nhập, nghĩa vụ thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.