Ngày 3/3, thông tin về tình hình công tác tháng 2, Tổng cục Hải quan cho biết số thu ngân sách nhà nước trong tháng 2 đạt 29.266 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/2, thu ngân sách nhà nước do ngành hải quan quản lý đạt 56.330 tỷ đồng, đạt 13,3% dự toán, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá xuất nhập khẩu giảm 13% nhưng vẫn duy trì xuất siêu 2,82 tỷ USD
Cũng theo số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp, trong tháng 2, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 49,46 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 25,88 tỷ USD và trị giá nhập khẩu ước đạt 23,58 tỷ USD.
Với số liệu này, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 2 tăng 6% so với tháng 1. Trong đó, xuất khẩu tăng 10% và nhập khẩu tăng 3%.
Còn so sánh với cùng kỳ năm 2022, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 2 tăng 2%; trong đó, đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu tăng 11% nhưng nhập khẩu lại giảm 7%.
Dù vậy, theo tính toán của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2 ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD.
"Tính chung lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, trái ngược với trạng thái thâm hụt 300 triệu USD của cùng kỳ năm trước", Tổng cục Hải quan thông tin.
Theo quan sát, cả tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm sút, trong đó nhập khẩu linh kiện trung gian giảm mạnh do các đơn hàng xuất khẩu ở mức yếu.
Cụ thể, tính đến hết ngày 15/2, một số nhóm hàng giảm mạnh về trị giá xuất khẩu có thể kể đến như: hàng dệt may giảm 845 triệu USD, tương ứng giảm 19,7%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD, tương ứng giảm 35,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 574 triệu USD, giảm 9,9%; sắt thép các loại giảm 352 triệu USD, tương ứng giảm 34,8%... so với cùng kỳ năm 2022.
Còn về chiều nhập khẩu, một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,78 tỷ USD, tương ứng giảm sâu 62,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 1,42 tỷ USD, tương ứng giảm 25%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 904 triệu USD, tương ứng giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Nộp ngân sách 27,5 tỷ đồng từ hơn 1.000 vụ vi phạm pháp luật hải quan
Thông tin về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan, cho biết tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.
Từ ngày 16/1 - 15/2, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 713 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 269 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng khởi tố 1 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 13 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/2, toàn ngành hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.259 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 465 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 3 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 27,5 tỷ đồng.
Còn về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý, từ ngày 16/1 - 15/2, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 8 vụ/7 đối tượng, trong đó, cơ quan hải quan chủ trì 3 vụ.
Tang vật thu được gồm: 2,6kg heroin; 5kg cocain; 0,1kg ketamin, 3,8kg methamp-hetamin, 101,3 kg ma túy các loại khác.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/2, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ: 31 vụ/38 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 17 vụ. Tang vật thu được gồm: 23,5 kg heroin; 4,5 kg cần sa, 65,7 kg ketamin, 5kg cocain, 11,3 kg methamp-hetamin, 104,8 kg và 6.100 viên ma túy các loại khác.
Thông tin cụ thể về các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng, Tổng cục Hải quan cho hay các đối tượng thường khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa...
Bên cạnh đó còn xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước như: không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh ...
Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, đường hàng không, đường biển...
Các đối tượng lợi dụng loại hình này để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới về Việt Nam và chuyển tiếp đi các nước khác tiêu thụ. Thủ đoạn cất giấu của chúng thường ngụy trang ma túy trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm...
Trước tình hình trên, với vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính xây dựng báo cáo số 01/BC-BCĐ389 ngày 31/1/2023 tổng kết kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Theo đó, ban hành (i) các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; (ii) kế hoạch kiểm soát hải quan trong toàn ngành năm 2023; (iii) công văn triển khai công tác trọng tâm về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan năm 2023; (iv) công văn triển khai Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá tổng thể những khó khăn vướng mắc, xây dựng phương án để tiếp tục triển khai Thông tư 1420/TT-BTC ngày 14/12/2018 hướng dẫn về thu thập, xử lý thông tin ệp vụ hải quan ở nước ngoài để nghiên cứu phương án phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan trong việc phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, nghiệp vụ.
Khai thác, thu thập thông tin trong nước, cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả.