Thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Theo Báo cáo Tổng quan & Nhận định thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 của thương hiệu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search (thuộc Navigos Group), thị trường lao động nửa đầu năm nay có nhiều tín hiệu đáng mừng.
Thu nhập bình quân đầu người chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, cho thấy mức sống của người lao động đang dần được cải thiện. Cụ thể, thu nhập bình quân đạt mức 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi thu nhập bình quân của nhân sự ở thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, con số này ở khu vực nông thôn chỉ đạt 6,5 triệu đồng/tháng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Thu nhập tăng không đồng đều
Theo báo cáo của Navigos Search, lao động nam đạt 8,5 triệu đồng/tháng và lao động nữ đạt 6,4 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân của người lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, con số ở khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn, phản ánh sự không đồng đều trong phát triển kinh tế và thị trường lao động giữa hai khu vực.
Sự chênh lệch còn được chứng kiến ở tỷ lệ thiếu việc làm của những người trong độ tuổi lao động (bao gồm người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần).
Theo số liệu ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đạt mức 2,05%, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị giảm 0,12%, xuống còn 1,37%. Ngược lại, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn tăng 0,17%, lên mức 2,49%.
Số lượng người lao động có việc làm ở thành thị tăng lên 19,7 triệu người, trong khi con số ở nông thôn giảm xuống 31,7 triệu người, phản án sự dịch chuyển nguồn lao động đến các trung tâm đô thị. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Dịch chuyển nguồn lao động đến khu vực thành thị
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng lao động có việc làm tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 51,4 triệu người. Trong đó, khu vực thành thị đạt 19,7 triệu người, tăng 687,9 nghìn người.
Ngược lại, số lượng người lao động có việc làm ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 31,7 triệu người. Điều này cho thấy sự dịch chuyển nguồn lao động đến các trung tâm đô thị, tương thích với xu hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ tăng trưởng đáng kể với 28%, tăng 1,4%, cho thấy chất lượng nguồn lao động đang được đầu tư và cải thiện, nâng cao trình độ nhân sự, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức (bao gồm lao động làm việc trong khu vực hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 65% trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn (74,5%).
Tỷ lệ này cũng tăng đối với nam là 68,2% và nữ là 61,5%. Sự gia tăng này có thể phản ánh tính linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang phát triển.
Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm phi chính thức gia tăng cũng đặt ra thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn cho người lao động.
Mặc dù số lượng người lao động tự sản tự tiêu giảm nhẹ nhưng vẫn còn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và trong nhóm lao động nữ (63,8%), cho thấy sự cần thiết của các biện pháp hỗ trợ và phát triển kinh tế, giúp nhóm đối tượng này gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.