Sau phần thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội sáng 7/4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình, tiếp thu về một số vấn đề được các đại biểu đặt ra, nêu ý kiến.
Khu tái định cư là một khu đô thị
Cho rằng vấn đề thu hồi và đền bù đất đai, hỗ trợ, tái định cư sau thu hồi đất được đại biểu và người dân quan tâm, Phó thủ tướng cho biết quy định "khu tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" sẽ phải định lượng hóa.
Theo ông Hà, sau khi người dân bị thu hồi đất dù là đất ở hay đất sản xuất thì điều kiện sinh sống, sản xuất và sinh kế phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đó.
Trước đây, dự thảo quy định người dân khi tái định cư phải có thu nhập tốt hơn khi ở chỗ ở cũ. Nhưng sau đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đảm bảo thu nhập là rất khó vì việc này phụ thuộc vào năng lực. Đồng thời, thu nhập không phản ánh hết chất lượng cuộc sống.
Theo ông Hà, quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế. Đồng thời, chỗ ở mới phải có diện tích lớn hơn nơi cũ.
"Trong một gia đình khoảng 4-5 thế hệ ở, chúng ta bố trí để tính toán làm sao ngoài chủ hộ thì các con đến tuổi cũng có điều kiện ở riêng, có nhà để ở", Phó thủ tướng nói.
Theo ông Hà, cơ quan soạn thảo đang cố gắng nghiên cứu để đưa vào luật các mô hình tái định cư đã làm ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là những khu tái định cư được làm sau khi giải phóng mặt bằng làm dự án cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh và được đánh giá tốt.
Đồng thời, ông cho rằng trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cần làm rõ vị trí các khu tái định cư, bao gồm quy hoạch về đô thị và dân cư.
Theo Phó thủ tướng, khu tái định cư chính là một khu đô thị có chức năng cho người tái định cư. Các khu dân cư có thể được bố trí xen kẽ ngay tại đô thị đó; hoặc có thể tạo ra một khu đô thị mới sử dụng luôn hạ tầng và các điều kiện ở khu vực.
Bên cạnh đó, người có đất bị thu hồi có nhiều lựa chọn vì ngay cả đất nông nghiệp cũng có thể tính ra tiền.
"Thửa ruộng 1 sào mang lại thu nhập không bằng cho thuê một căn hộ 70 m2. Đó cũng là thu nhập, sinh kế. Điều này chúng tôi học trên một số mô hình hiện nay đã làm và chúng tôi thấy đúng", theo Phó thủ tướng.
Ông Hà cho rằng quan điểm trong từng dự án phát triển, nếu là dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận. "Không có lý gì chúng ta làm một dự án phát triển mà lại không để cho những người dân có đất ở đấy bao nhiêu năm không được thụ hưởng thành quả của dự án", ông nói.
Cùng với đó, khu tái định cư phải đi trước thì mới làm được các dự án đô thị vì nếu sau khi thu hồi đất xong, người dân chưa biết ở đâu thì không khả thi.
Với dự án luật lần này, cơ quan soạn thảo cũng tính toán có quy định về quỹ bảo trợ dành cho người không có điều kiện để sản xuất, có sinh kế, nhằm đảm bảo an sinh cho người yếu thế sau khi bị thu hồi đất.
Cần cơ sở dữ liệu để định giá đất
Cũng theo Phó thủ tướng, trong số gần 30 đại biểu đăng ký phát biểu, hơn 50% đại biểu quan tâm đến tài chính, định giá đất. Vì vậy, ông dành nhiều thời gian để nói về vấn đề này.
Theo ông Hà, hiện có 4 phương pháp xác định giá đất, cũng là các phương pháp quốc tế đã làm nhưng việc định giá đất vẫn chưa chính xác vì thông số đầu vào không chính xác.
Để khắc phục điều này, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Việc này được thực hiện từ phương pháp xây dựng bản đồ vùng giá trị và chia ra các thửa đất chuẩn. Các nước trên thế giới đều đang làm như vậy.
Khi có dữ liệu, có thể nhìn vào hàng ngày xem giao dịch và xác định hệ số biến động. Từ hệ số biến động, các đơn vị có thể tính toán được bảng giá đất cho năm sau bằng cách lấy bảng giá đất năm trước nhân với hệ số biến động.
Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc phải có dữ liệu và phải xác định được giá đất ban đầu là giá đất thị trường.
"Đương nhiên sau khi có bảng giá đất, đã có một hệ thống thống kê, theo dõi sát đến như vậy thì chúng ta hoàn toàn xác định được hệ số biến động và chỉ khi đó xác định hệ số biến động mới là đúng”, Phó thủ tướng lý giải.
Cùng với đó, nếu có dữ liệu đầu vào đúng, người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch đất đai trên sàn để công khai. Ngoài ra, phương án sắp tới sẽ quy định giá đất tính thuế không dựa vào giá đất được ghi trên hợp đồng, mà dựa vào việc lấy bảng giá đất của năm trước. Điều này sẽ giúp người dân không lo lắng về việc khai giá trong hợp đồng sẽ bị tính thuế.
“Bảng giá đến một lúc nào chúng ta xây dựng tiệm cận được với thị trường thì đấy chính là giá để chúng ta thực hiện mọi mối quan hệ giao dịch giữa cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Đó là toàn bộ ý tưởng mà chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện", theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.