"Nếu được đưa đến bệnh viện sớm hơn, bệnh nhân sẽ không biến chứng nặng như vậy. Thật sự rất đáng tiếc, người đàn ông này chỉ mới 31 tuổi".
PGS.TS.BS Phạm Trường Sơn, Chủ nhiệm khoa Nội Tim mạch, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, chia sẻ với Tri Thức - Znews về ca bệnh trẻ tuổi đã bị nhồi máu cơ tim mới điều trị gần đây.
Đừng nghĩ còn trẻ là còn khỏe
PGS Sơn cho hay nam bệnh nhân tên H. vào viện với cơn nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp chiếu cho thấy anh H. bị hẹp tất cả mạch vành, rất nặng. Dù đã được phẫu thuật, nguuời đàn ông này vẫn bị biến chứng nặng nề là suy tim.
"Chủ quan vì còn trẻ tuổi, không nghĩ bản thân có thể bị nhồi máu cơ tim nên bệnh nhân chưa đến bệnh viện kiểm tra khi có dấu hiệu đau ngực. Khi cơn đau tiếp tục ập đến, không thể chịu được nữa, người bệnh mới đi cấp cứu thì đã muộn", PGS Sơn nói.
Tỷ lệ người trẻ (dưới 40 tuổi) bị nhồi máu cơ tim rõ ràng tăng hơn nhiều so với trước, vốn chỉ hay gặp ở người cao tuổi.
Theo Viện trưởng Viện Tim mạch, những ca bệnh tương tự anh H. không hiếm. Mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 120 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tim mạch. Trong đó, số trường hợp cần cấp cứu vì nhồi máu cơm tim khoảng 3-4 bệnh nhân.
Đáng chú ý là tỷ lệ người trẻ (dưới 40 tuổi) mắc bệnh lý này rõ ràng tăng hơn nhiều so với trước, vốn chỉ hay gặp ở người cao tuổi.
Bệnh nhân nhập viện thường biểu hiện đau ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn... Người bệnh sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa và thấy có tổn thương nhồi máu, không khác biệt so với người già.
"Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở người trẻ không có yếu tố nguy cơ, thậm chí bệnh nhân hoàn toàn không có bệnh gì. Trong khi đó, những yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người già có thể đến từ cao huyết áp, đái tháo đường, gout, xơ vữa mạch...", PGS Sơn nhấn mạnh.
Nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim
PGS Phạm Trường Sơn nhận định nguyên nhân số 1 khiến người trẻ có thể bị nhồi máu cơ tim là hút thuốc lá. Thứ 2 là mỡ máu, có thể từ di truyền hoặc tăng cao hằng định.
Vì vậy, khi tiếp nhận bệnh nhân nhồi máu cơ tim trẻ tuổi, bác sĩ thường sẽ khai thác tiền sử có hút thuốc lá và gia đình có người bị mỡ máu hay không.
Một ca can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim được thực hiện tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
"90% các bệnh nhân trẻ nhồi máu cơ tim sẽ có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, mỡ máu cao hằng định, môi trường tác động. Không ít bệnh nhân chỉ mới 35-40 tuổi nhưng có tiền sử hút thuốc 20 năm. Bệnh nhân H. nói trên cũng là một điển hình", PGS Sơn nói.
Một số bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim do yếu tố di truyền, gene... tình trạng thường rất nặng. Song, trường hợp này khá hiếm gặp.
Vị chuyên gia nhận định việc điều trị cho bệnh nhân trẻ bị cản trở chủ yếu do chế độ dùng thuốc. Ông nhận thấy người trẻ còn chủ quan, không tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn, dẫn đến điều trị kém hiệu quả, dễ tái lại.
Bên cạnh đó, hai trường hợp dễ bị bỏ sót cơn nhồi máu cơ tim là phụ nữ và người cao tuổi. Phụ nữ thường đau ngực không điển hình. Người già các tụ cảm của cơ thể bị giảm khiến cơn đau không nhận biết rõ ràng, bản thân họ nhiều bệnh kết hợp nên khó nhận thức được. Cơn đau có thể hết sau vài tiếng nên người bệnh ít quan tâm, không đi khám.
"Trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, thời gian rất quan trọng. Càng đến viện muộn, cơ tim càng chết đi dần. Bệnh nhân dễ suy tim, không thể cứu chữa được. Bệnh nhân nên đến trước 48 giờ từ khi khởi phát cơn nhồi máu cơ tim. Trước 12 giờ đầu có tỷ lệ cứu sống và hồi phục tốt nhất", Viện trưởng Viện Tim mạch nhấn mạnh.