Trong thông báo về đề án thu phí ôtô vào nội đô ngày 20/10, Sở GTVT Hà Nội cho biết 3 điều kiện cần có để đưa đề án vào triển khai thực tế, gồm: công nghệ thu phí, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng và hệ thống bãi đỗ xe, điểm trung chuyển...
Nhiều người đặt ra câu hỏi khi nào các điều kiện trên đáp ứng để Hà Nội đạt được mục tiêu giảm ùn tắc, ô nhiễm bằng cách thu phí ôtô vào nội đô.
3 năm thêm 1 triệu người dân sử dụng phương tiện công cộng?
Theo số liệu mới nhất của Sở GTVT Hà Nội, vận tải hành khách công cộng của thành phố chỉ đang đáp ứng nhu cầu của 16-17% người dân.
Trong khi đó, điều kiện để Hà Nội có thể thu phí ôtô vào nội đô là vận tải công cộng đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại. Việc này giúp người đi ôtô cá nhân có thể chuyển đổi sang phương tiện công cộng.
Như vậy, để đảm bảo điều kiện trên, Hà Nội cần có thêm 13-14% người dân trong thành phố sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng. Con số này tương đương với hơn một triệu người.
Hà Nội hiện chỉ có một tuyến đường sắt đô thị đang vận hành là Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Linh.
Đây là bài toán khó với Hà Nội khi xe buýt nhanh chưa phát huy được tác dụng, buýt thường đã lỗi thời và lời giải duy nhất thuộc về hệ thống đường sắt đô thị (metro).
Hiện, thành phố chỉ có một tuyến metro đang vận hành là Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, metro Nhổn - ga Hà Nội phải gia hạn thời gian hoàn thành vào năm 2025.
Theo cập nhật đến tháng 9/2022, tiến độ tổng thể của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đạt 75%. Với 3 năm tiếp theo, dự án phải được thực hiện một cách quyết liệt mới có thể hoàn thành 25% khối lượng công việc còn lại và về đích.
Trong kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc trên địa bàn Hà Nội, thành phố cũng đặt mục tiêu năm 2025, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đạt 30-35%.
Số liệu này tương đồng với điều kiện được đưa ra của đề án thu phí. Tuy nhiên chỉ với một tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, mục tiêu thêm một triệu người sử dụng giao thông công cộng trong 3 năm tới là quá xa vời.
Ở lộ trình dài hơn, Hà Nội tính toán với 4 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2030, dự báo sẽ vận chuyển 3,2 triệu hành khách/ngày tương đương 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Con số này cũng khó có thể đạt được khi chỉ tính riêng đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau gần một năm vận hành, lượng khách trong ngày cao nhất chỉ khoảng 55.000 lượt.
Như vậy, thứ mà Hà Nội đang thiếu là một hệ thống giao thông công cộng được phát triển đầy đủ, thuận tiện và thu hút người dân. Chỉ khi có được điều này, thành phố mới cần tính đến "chất xúc tác" là một đề án thu phí trong trường hợp người dân không từ bỏ thói quen di chuyển bằng xe cá nhân.
Theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, nếu tính thu phí vào nội đô thì rất khó để người dân lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng do hệ thống này chưa "phủ" khắp thành phố.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng trong vòng 5 năm tới, Hà Nội cần nghiên cứu đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng bằng 3 loại hình là xe buýt, xe buýt nhanh và đường sắt đô thị. Đây mới là giải pháp căn cơ cho vấn đề ùn tắc giao thông, chứ không phải thu phí.
Thiếu quỹ đất cho bãi đỗ xe
Một điều kiện khác được Sở GTVT Hà Nội đưa ra khi tính toán về đề án thu phí là kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride - P&R) kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Việc này nhằm phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, quỹ đất được sử dụng làm bãi đỗ xe hiện chỉ chiếm 0,2% quỹ đất chung của thành phố. Trong khi theo quy hoạch, tỷ lệ này phải chiếm 1%.
Ông Liên đánh giá việc thiếu hụt tỷ lệ này do thành phố từng thu hồi nhiều quỹ đất công cộng để dành cho việc xây nhà ở thương mại, nhà cao tầng; đồng thời không chú trọng đầu tư cho các tiện ích như bến, bãi đỗ xe.
Chuyên gia cho biết Hà Nội đang dành quá ít quỹ đất để xây dựng các bãi đỗ xe và điểm trung chuyển. Ảnh: Lê Hiếu.
Trong quy hoạch tổng thể bến, bãi đỗ xe đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội dự kiến có 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm với tổng diện tích sàn là hơn 104 ha.
Các bãi đỗ này chủ yếu bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ, công trình xây dựng 3-4 tầng hầm, tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với chức năng thương mại dịch vụ.
Trong đó, các bến xe hiện có ở khu vực đường vành đai 3 được tạm thời giữ lại và chỉ nâng cấp. Về lâu dài, các bến xe này sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch…
Như vậy, thành phố cần ít nhất 28 năm nữa để có được một hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride - P&R) quy củ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chuyên gia khuyến nghị thành phố cần sớm có bản quy hoạch tổng thể về hệ thống giao thông tĩnh, các bãi xe. Việc này phải được làm song song cùng quá trình nghiên cứu về đề án thu phí ôtô vào nội đô.
Chưa kể đến điều kiện là công nghệ thu phí được số hóa và đồng bộ dữ liệu, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được điều kiện của đề án thu phí.
Việc này bao gồm giải hai bài toán quan trọng là giao thông công cộng và bãi đỗ xe. Chỉ khi có được một hệ thống hạ tầng giao thông và kỹ thuật đồng bộ, thu phí ôtô vào nội đô mới thực sự trở thành một đề án không vì mục tiêu lợi nhuận, theo đúng cam kết của ngành giao thông thành phố.
Ngày 18/10, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) báo cáo kết quả khảo sát ý kiến người dân về đề án thu phí ôtô vào nội đô và đề xuất thí điểm từ năm 2024.
Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải phản biện của nhiều chuyên gia khi cho rằng việc thu phí ôtô vào nội đô khó có thể giải quyết được ùn tắc và ô nhiễm, nhất là khi hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân.
Chiều 20/10, Sở GTVT Hà Nội thông tin về đề án và chỉ rõ 3 điều kiện kỹ thuật cần thiết để đề án được triển khai.
Thứ nhất, điều kiện về công nghệ thu phí bao gồm số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện.
Thứ hai, vận tải công cộng đảm bảo năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân.
Thứ ba, kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride - P&R) cần đảm bảo để kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với giao thông công cộng.