Thành phố Hứa Xương, thuộc tỉnh Hà Nam (miền Trung Trung Quốc), được biết đến là thủ phủ tóc giả của thế giới.
Với gần 300.000 cư dân kiếm sống bằng nghề này, Hứa Xương sản xuất một nửa số tóc giả trên toàn cầu, cung cấp cho hơn 120 quốc gia.
Hàng nghìn tấn tóc được vận chuyển đến đây mỗi năm. Vào thời kỳ đỉnh cao, có khoảng 20.000 nhân viên địa phương có mặt ở nhiều quốc gia để thu thập bộ phận này.
Theo ghi chép lịch sử, dưới triều đại của Hoàng đế Gia Tĩnh thời nhà Minh (1521-1567), người dân nơi đây đã bắt đầu làm tóc giả cho các đoàn hát.
Sau đó, một người đàn ông tên Bai Xi đã kết bạn với thương gia đến từ Đức để thu mua và họ cùng nhau mở “ngân hàng tóc” đầu tiên của Trung Quốc. Họ gom nhặt từ các thương nhân nông thôn, buộc thành bó và bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghiệp này ngày càng trở nên khó khăn, theo Sixth Tone.
Vàng đen
Xu Mengge (11 tuổi) có mái tóc đen dài mà người cha (tên Xu Hai) coi như một mỏ vàng.
Cô bé chưa bao giờ đến tiệm hớt tóc vì thường tự cắt ở nhà. Hiện tóc của Mengge đã dài đến eo. Nó dày đến nỗi khi buộc kiểu đuôi ngựa có thể rộng đến ba ngón tay.
Mặc dù có rận, gàu ở gốc, phần ngọn vẫn mượt và thẳng không có vết chẻ. Trên bàn cân, người thu gom trong làng đưa ra mức giá cố định là 600 nhân dân tệ (89 USD).
Khi thấy Xu Hai do dự, người này mở ba lô để lộ bộ sưu tập vừa "săn" được.
“Nhìn này, đây là những gì tôi vừa thu thập. Tôi là một nhà sưu tầm trung thực. Tóc cô bé không uốn hay nhuộm và có độ dài vừa phải, vì vậy 600 nhân dân tệ là một đề nghị hợp lý”, anh nói.
Xu Hai sống với 3 người con tại một ngôi làng ở huyện Xincai, tỉnh Hà Nam, nơi những người phụ nữ từ lâu đã bán tóc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Trong lớp của Mengge, ít nhất hai hoặc ba cô gái đã làm như vậy.
“Giá cao nhất mà một người có được là 1.600 nhân dân tệ”, Mengge kể.
Các nhà thu gom đưa ra mức giá cố định cho dân làng, nhưng họ luôn tìm cách đẩy số tiền lên cao dựa trên trọng lượng và độ dài của tóc. Thêm vài cm có thể mang lại lợi nhuận lên tới vài trăm nhân dân tệ. Vì vậy, người mua thường chải phần tóc trên đỉnh đầu về phía trước để lộ chân và cắt ở đó, nơi tóc dài, khỏe nhất.
Điều này khiến mọi người dễ dàng phát hiện những cô bé bán tóc trong sân trường. Tất cả chúng đều có mái đầu xù, thấy rõ những mảng da và bị bạn bè trêu đùa là laitou, một thuật ngữ chỉ những người bị favus, bệnh nhiễm nấm da đầu.
Xu Hai không nghĩ đó là vấn đề lớn. “Dù sao đi nữa, vẻ ngoài ưa nhìn đáng giá bao nhiêu? Nếu nó tệ như vậy, cha có thể mua cho con một chiếc mũ”, anh nói với Mengge.
Anh nghĩ về mái tóc của con gái mình không hơn gì một cây trồng.
Nhận ra mình khó có thể thuyết phục được cô gái nhỏ, người thu mua nhanh chóng chuyển sang làng bên cạnh. “Nếu con bé đổi ý, anh phải bán nó cho tôi”, người này dặn ông bố.
Họ không hề hay biết, người bán hàng đang thúc giục họ chấp nhận lời đề nghị vì cách đó 230 km ở Hứa Xương, nơi các nhà máy sản xuất đang rất cần nguyên liệu thô. Mỗi thành phẩm có thể lên đến hơn 1.000 nhân dân tệ.
Thời hoàng kim đã qua
Trên đường phố Hứa Xương, các cơ sở kinh doanh liên quan đến tóc có ở khắp mọi nơi. Nhiều salon đưa ra giá cao để đổi lấy bộ phận này, trong khi các nhà máy sản xuất dán quảng cáo lên tường và tờ rơi ở cửa sổ.
"Kiếm 'vàng đen' rất đơn giản: chỉ cần nhặt một chiếc kéo và đi tìm", Zhou, người đã thu thập và xử lý tóc được 13 năm, cho biết.
Sau khi hoàn tất khâu mua, anh sẽ gội sạch, gỡ rối, phân loại thành từng bó rồi bán cho các công xưởng.
Zhou nhớ lại rằng vào thời hoàng kim của ngành công nghiệp này, hầu như không còn thanh niên nào trong làng. Họ bận rộn sưu tầm tóc trên khắp đất nước, dành cả buổi sáng ở tỉnh An Huy phía đông, sau đó đến tỉnh Giang Tây lân cận vào buổi chiều.
Nhưng điều đó không còn nữa khi đại dịch Covid-19 giáng một đòn nặng nề vào hoạt động ngoại thương. Các công ty ở Hứa Xương không thể nhập tóc từ nước ngoài, khiến họ rơi vào khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Vào năm 2020, thành phố này là nơi sinh sống của 4,38 triệu dân, cứ 14 người thì có một người theo nghề làm tóc giả. Cạnh tranh khốc liệt, cuộc chiến giá cả khiến nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi Hứa Xương, cố gắng tái tạo mô hình ở những nơi khác.
Các tỉnh và siêu đô thị đông dân như Tứ Xuyên, Hồ Nam và Trùng Khánh là những điểm đến ngày càng phổ biến do có nhiều lao động tương đối rẻ. Mặc dù Hứa Xương vẫn chưa bị truất ngôi là thủ đô tóc giả, không ít người cảm thấy thời kỳ kiếm tiền dễ dàng đã qua.
Nhưng theo quan điểm của Liu Qing, giáo viên của Mengge, đây không hoàn toàn là trọng tâm của vấn đề. Theo cô quan sát, lý do cơ bản khiến việc kinh doanh tóc sa sút đơn giản là vì ít người bán hơn.
Các trường học cũng đặt ra những quy định chặt chẽ về kiểu đầu và quần áo, điều này càng làm giảm số lượng nữ sinh tóc dài.
Mỗi năm trôi qua, ngày càng có nhiều thanh niên quay lưng lại với nông thôn, những người phụ nữ duy nhất bị bỏ lại phía sau là nhóm trung niên hoặc cao tuổi. Bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, họ bắt đầu uốn và nhuộm tóc. “Đây là lý do tại sao chúng tôi phải mua tóc từ nước ngoài”, Zhou giải thích.
Giờ đây, Zhou có thể mất nhiều ngày mà không tìm được một lọn tóc nào phù hợp.