Nhật Bản đang mở rộng cửa chào đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: Satoshi Hirayama/Pexels.
Từ 11/10, Nhật Bản đã chính thức mở cửa du lịch hoàn toàn cho du khách quốc tế, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhập cảnh, khách du lịch cần chuẩn bị một số giấy tờ sau, theo hướng dẫn từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam.
Hộ chiếu vaccine
Theo thông tin từ JNTO, từ Việt Nam, du khách cần phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành hoặc chứng nhận tiêm đủ 3 mũi vaccine.
Nếu đáp ứng đủ, du khách sẽ không cần cách ly, làm xét nghiệm trước và sau khi đến. Nếu không có cả 2 loại giấy tờ trên, du khách sẽ phải cách ly 3 ngày tại khách sạn. Ngày thứ 3 làm xét nghiệm lại, du khách được đi lại tự do nếu có kết quả âm tính.
Chính phủ Nhật Bản đã cũng chấp nhận tất cả những loại vaccine ngừa Covid-19 trong danh sách được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Trước đó, quốc gia này chỉ công nhận 6 loại.
Với trường hợp trẻ dưới 18 tuổi không có giấy chứng nhận vaccine hợp lệ nhưng người giám hộ đi cùng có chứng nhận tiêm vaccine hợp lệ, được coi như có chứng nhận tiêm hợp lệ.
Các yêu cầu người nhập cảnh phải xét nghiệm, cách ly sau nhập cảnh, theo dõi trong thời gian cách ly, không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng đã được Chính phủ Nhật gỡ bỏ.
Bên cạnh hộ chiếu vaccine, du khách cần tải ứng dụng kiểm dịch My SOS hoặc Visit MySOS, điền đầy đủ thông tin cần thiết trước khi nhập cảnh.
Thị thực
Hiện, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM sẽ không tiếp nhận hồ sơ cá nhân, mà đưa ra danh sách 13 công ty được ủy thác tiếp nhận hồ sơ xin visa.
Tuy nhiên, điều này không khiến việc xin visa trở nên rắc rối hơn. Ngược lại, mọi thứ càng thuận tiện hơn bởi công ty ủy quyền sẽ hướng dẫn bạn thủ tục cụ thể, hạn chế việc chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần.
Xin visa là điều bắt buộc du khách mang quốc tịch Việt Nam cần phải làm trước khi đến Nhật. Ảnh: Morning Japan.
Các công ty này sẽ tiếp nhận hồ sơ của khách, sau đó sẽ nộp lên Tổng lãnh sự quán, Đại sứ quán Nhật Bản. Các công ty du lịch cũng thu tiền tương đương khoản phí làm visa tại các cơ quan lãnh sự. Du khách không phải nộp thêm bất kỳ khoản phí nào hay bị yêu cầu mua thêm dịch vụ.
Ngoài việc xin visa phải thông qua công ty lữ hành, khách tự túc được tự do mua vé máy bay, đặt phòng, mua dịch vụ qua bất kỳ kênh nào.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật không yêu cầu phải xin giấy chứng nhận tiếp nhận trên Hệ thống theo dõi Xuất nhập cảnh ERFS.
Lịch trình lưu trú
Khi xin visa du lịch Nhật Bản, du khách cần chuẩn bị thêm vé máy bay, hóa đơn đặt phòng khách sạn và lịch trình cụ thể.
Lịch trình là yếu tố quan trọng với loại visa này. Bạn phải ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, địa chỉ liên lạc thật chi tiết. Bắt buộc phải điền ngày nhập cảnh, ngày về nước. Lịch trình cần viết theo từng ngày.
Không chỉ ghi tên thành phố chung chung như Tokyo, Kyoto mà bạn cần liệt kê địa điểm và nội dung hoạt động thực tế, điền cụ thể nơi sẽ nghỉ lại. Lịch trình phải khớp với thông tin đặt phòng khách sạn.
Du khách cần cung cấp lịch trình cụ thể trong thời gian ở Nhật. Ảnh: Sorasak/Unsplash.
Hiện, khách du lịch tự túc Nhật Bản được tự do đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tour, hướng dẫn viên... thông qua bất cứ kênh nào. Mọi dịch vụ du lịch không còn thông qua công ty lữ hành như trước.
Bên cạnh đó, nếu đi theo nhóm, du khách cần chuẩn bị thêm tài liệu chứng minh mối quan hệ của các thành viên. Với nhóm bạn, khách du lịch có thể sử dụng ảnh chụp nhóm lúc đi uống cà phê hoặc những ảnh đã đi du lịch cùng nhau, bổ sung tờ giấy kê khai tên tuổi, mối quan hệ.
Nếu đi với gia đình, bạn cũng chuẩn bị tương tự và có thêm tài liệu chứng minh như giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu bản sao công chứng.