Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 ngày 16/7, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Nhiều yếu tố nền tảng thu hút đầu tư
Tại hội nghị, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian phân tích về các yếu tố nền tảng để Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng thu hút đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, tôn trọng, quý mến bạn bè, đối tác quốc tế. Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 trụ cột gồm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam kiên trì, kiên định, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy vì mục tiêu phát triển trên thế giới và khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; không chọn bên mà chọn công bằng, công lý, lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Việt Nam cũng đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, nhưng không tự cung, tự cấp mà chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Đến nay, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do với thị trường trên 60 nước, có những thị trường lớn nhất thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Theo Thủ tướng, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình thế giới phức tạp, nhiều biến động, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, GDP quý II tăng 7,72%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây, góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của cả 6 tháng đầu năm 2022. Việt Nam đang triển khai Chương trình nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội với quy mô 340.000 tỷ (khoảng 4% GDP) tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, không để suy thoái kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường các mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
"Chúng ta giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên định, kiên trì, kiên quyết để tận dụng các thời cơ, thuận lợi, hóa giải các khó khăn, thách thức. Yếu tố xuyên suốt và bao trùm là trí tuệ, phẩm chất, năng lực con người Việt Nam, truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp của dân tộc", Thủ tướng nói.
Chính phủ sẵn sàng đối thoại với nhà đầu tư
Chia sẻ về môi trường đầu tư của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, phải luôn luôn đổi mới tư duy và hành động để xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, công bằng, đồng hành thực chất, hiệu quả với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn và hỗ trợ đúng quy định của pháp luật. Dứt khoát không hợp thức hóa các sai phạm nhưng phải tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, không "bỏ mặc" doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Thủ tướng chia sẻ với các nhà đầu tư. Ảnh - VGP.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng sẵn sàng làm việc, chia sẻ, đối thoại với bất kỳ đối tác nào trên cơ sở chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Về phía tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng cho biết, Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển, như có vị trí địa kinh tế quan trọng; là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trung tâm lúa gạo; có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nguồn lực con người.
Thủ tướng mong muốn Hậu Giang không để tiềm lực ngủ quên, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người.
Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực để các nhà đầu tư xem xét, cân nhắc, ưu tiên đầu tư vào Hậu Giang như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển công nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin…
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư đến với Hậu Giang với tình cảm, nghiêm túc, chân thành, trách nhiệm, tin cậy, yêu quý mảnh đất, con người nơi đây, coi Hậu Giang là quê hương thứ hai, chia sẻ với người dân, với địa phương trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, quan tâm công tác an sinh xã hội, cùng chăm lo đời sống người dân địa phương.
Thủ tướng cũng đề nghị Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Người dân đồng hành, chia sẻ với các nhà đầu tư, với chính quyền địa phương.
Thủ tướng đề nghị các bên phải thực hiện bằng được những điều đã cam kết để việc xúc tiến đầu tư thực chất, hiệu quả, "đã hứa là phải làm", ai làm tốt phải khen thưởng, động viên, bảo vệ, ai làm sai, làm không đúng thì phải có giải pháp xử lý.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang; đồng thời tiếp nhận nhiều khoản tài trợ, ủng hộ của các nhà đầu tư dành cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam.