Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.
Thủ tướng cho rằng một số khó khăn liên quan lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang có tác động và có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế. Song, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, theo đúng quy định của pháp luật.
"Ai làm sai thì phải xử lý, ai làm tốt thì bảo vệ, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm tốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, có nhiều việc phải xử lý, giải quyết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhưng cần chọn một số việc xử lý trước. Đó là giải ngân vốn đầu tư công, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm và năm nay, việc giải ngân càng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng.
"Đã nói thì phải làm, làm thì phải có hiệu quả, hiệu quả là phải mang lại sự phát triển cho thành phố, người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và bất động sản nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.
"Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn", ông Phan Văn Mãi đề xuất.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, thị trường xăng dầu hiện nay đã được cải thiện, tuy nhiên chưa bền vững, còn tiềm ẩn những bất ổn. Do vậy, TP tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các quy định của pháp luật để hệ thống cung ứng xăng dầu vận hành theo hướng đảm bảo lợi ích hài hòa của các khâu trong chuỗi phân phối, trong đó, chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu.
"Ngoài ra, cần ghi nhận đầy đủ và kịp thời các khoản chi phí trong hình thành giá cơ sở; có tính toán tỷ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu và đồng thời phải tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng", ông nói.
Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, ông Mãi cho hay đến hết ngày 25/11, tổng số vốn đã giải ngân đạt 12.665/37.463 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34%, thấp nhất cả nước. Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 28.753/37.463 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.