Ngày 11/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhằm đánh giá tình hình năng lượng thế giới, dự báo tình hình sắp tới và xác định vai trò, nhiệm vụ, giải pháp của Tập đoàn, đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm, xử lý những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.
Buổi làm việc được kết nối trực tuyến tới 14 điểm cầu trên công trình dầu khí, giàn khai thác ngoài khơi biển Việt Nam và Liên bang Nga thuộc Petrovietnam.
PVN đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN cho biết năm 2021, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 627,2 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng, vượt 27,8% kế hoạch; nộp ngân sách 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 51,7 nghìn tỷ đồng, vượt 3 lần kế hoạch.
Trong 8 tháng năm 2022, khai thác dầu, khí vượt kế hoạch (khai thác dầu 7,31 triệu tấn, vượt 23%; sản xuất đạm đạt 1,217 triệu tấn, vượt 10%; sản xuất xăng dầu đạt đạt 4,56 triệu tấn, vượt 8%). Tổng doanh thu đạt 627.000 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch cả năm, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước đạt 90.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8 tháng đầu năm 2022 đạt 57.500 tỷ đồng, vượt 2,3 lần kế hoạch năm, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, đây là kết quả rất ấn tượng của PVN trong 8 tháng qua, vượt kế hoạch và yêu cầu đặt ra tại cuộc họp đầu năm là "phấn đấu vượt 10% tất cả các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022". "Với phương châm: "Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững", Tập đoàn đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh chủ quyền quốc gia và đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước".
Tại buổi làm việc, lãnh đạo PVN cho biết đã cập nhật, xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045. Chiến lược được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiệu quả và bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia, đóng góp hiệu quả công tác an sinh xã hội.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong thời gian qua, PVN đã trải qua những thăng trầm và đột phá nhưng nhìn chung, thành tựu và kết quả nhiều hơn là hạn chế, bất cập. Trong hơn 2 năm (2020, 2021) và 8 tháng năm 2022, với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, nhất trí, PVN đã phấn đấu vươn lên để hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Thủ tướng nhận định dự báo sắp tới tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ tiếp tục có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nhất là với ngành dầu khí trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới có nhiều biến động.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là kết hợp hài hòa, hợp lý hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại, hội nhập. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Phát triển nhanh nhưng bền vững, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nghiên cứu, thăm dò, khai thác dầu khí và chế biến, sản xuất các mặt hàng xăng dầu, hóa chất, xơ sợi…
Đầu tư phát triển phải bảo đảm đúng hướng, hiệu quả
Tán thành với các mục tiêu và nhiệm vụ mà PVN đã xác định, Thủ tướng yêu cầu trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, tình hình diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, xu hướng chuyển dịch năng lượng, cơ chế và chính sách còn hạn hẹp, thị trường bị ảnh hưởng, Tập đoàn cần đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp từng giai đoạn, từng năm, từng quý để sử dụng hiệu quả nguồn lực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về các mục tiêu và nhiệm vụ chung, Thủ tướng lưu ý mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất là Tập đoàn không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần "năng lượng cho phát triển". Hiện Tập đoàn đang đáp ứng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Mục tiêu và nhiệm vụ chung thứ hai, xây dựng PVN là tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, là doanh nghiệp chủ lực trong bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả, đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong sản xuất và kinh doanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng cho rằng một doanh nghiệp mạnh, quan trọng của quốc gia không thể không đẩy mạnh đầu tư phát triển, nhưng phải bảo đảm đúng hướng, hiệu quả, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh phù hợp diễn biến tình hình và nhiệm vụ. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt, gây lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa thăm dò, khai thác dầu khí với bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trên biển. Chủ động hơn trong sản xuất các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Tập đoàn. Bảo đảm bí mật, an ninh kinh tế theo quy định của pháp luật.
Trong tình hình biến động, nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, năng lực lực có hạn, trình độ chưa cao, yêu cầu cao, tiến độ kịp thời, phải lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, tạo cảm hứng, động lực và điều kiện để tiếp tục làm việc khác.
Thủ tướng nhấn mạnh Tập đoàn đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, nhất là trong đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, xử lý phù hợp với các vấn đề trong cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Một nhiệm vụ khác là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kiên trì, kiên định những vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo, nghệ thuật trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với Tập đoàn trong xử lý công việc. Khi nhận kiến nghị, đề xuất thì giải quyết ngay, giải quyết hiệu quả, giải quyết tối đa trong nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Về phần mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sát cánh, lắng nghe, ủng hộ để Tập đoàn phát triển.