Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, hội nghị Thủ tướng làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra trong sáng ngày 13/4/2023, tại Hà Nội, được các doanh nghiệp mong đợi và kỳ vọng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực các các doanh nghiệp và hiệp hội, đồng thời Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành lâm sản và thủy sản cần phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.
Chưa thể tháo gỡ được ngay các khó khăn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan là người cho biết tổng kết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của cả hai ngành thủy sản và lâm sản ghi nhận nhiều tín hiệu phấn khởi, lạc quan. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt trên 17 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản lần đầu tiên đạt mốc 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, hai ngành này đang đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức. Điều này càng minh chứng cho tính bất định, biến động, phức tạp, khó lường của thị trường, của tình hình thế giới.
Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý 1/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Hoa Kỳ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%. Số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Chia sẻ khó khăn với hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những buổi làm việc để nhìn nhận, thảo luận, tìm cách tháo gỡ, giảm thiểu những tác động tiêu cực vì đơn hàng sụt giảm, công suất hoạt động giới hạn, công nhân phải giảm ca, nghỉ việc…
"Doanh nghiệp phản ứng với tín hiệu thị trường như con tôm, con cá phản ứng với nước mặn, nước ngọt. Sau hội nghị hôm nay, cũng khó lòng tháo gỡ ngay lập tức và toàn diện những vấn đề đang tồn tại mà hai ngành hàng đang đối mặt. Nhưng quan trọng hơn cả, hội nghị thể hiện tinh thần lắng nghe, chia sẻ, đồng hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; cùng với đó là động lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm, quyết không bỏ cuộc của cộng đồng doanh nghiệp lâm sản, thủy sản”, Bộ trưởng khẳng định.
Xuất khẩu thuỷ sản: lượng đơn hàng giảm 20-50%
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sau 25 năm hoạt động, với sự đoàn kết, đồng lòng của gần 300 doanh nghiệp hội viên, với tổng doanh số xuất khẩu chiếm 80 – 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hàng năm của cả nước, Hiệp hội đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến 2025 là 12,5 tỷ USD đến 14 tỷ USD.
Trong bối cảnh năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại. Cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.
Chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công…trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn.
Kết quả quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Với diễn tiến này, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý 3/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Trước tình hình người dân ngại thả nuôi vụ mới do chi phí tăng cao và e ngại thị trường tiếp tục xấu, xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông-ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Xin đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.
Đối với vấn đề tín dụng và lãi suất, Chủ tịch VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo: Điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho Doanh nghiệp xuất khẩu. Đề nghị Chính phủ rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong Quý 1-2/2023. Đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo NĐ số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, Chủ tịch VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, bao gồm: các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023.
Kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Đề nghị giãn nợ, nhanh hoàn thuế
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết VIFOREST hiện có 1.005 doanh nghiệp thành viên, trong đó có 6 hiệp hội địa phương (Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Thanh Hóa và Nghệ An) và 3 Chi hội ngành hàng: Chi hội gỗ dán, Chi hội dăm gỗ và Chi hội viên nén.
Ngành chế biến gỗ và lâm sản có trên 500.000 lao động làm việc trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động tại các cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình và các làng nghề gỗ và thủ công mỹ nghệ. Ngành còn thu hút trên 1 triệu hộ nông dân với trên 4 triệu lao động tham gia trồng rừng, tạo gỗ nguyên liệu cho chế biến.
Trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành luôn đạt 2 con số mỗi năm. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD. Giá trị xuất siêu đạt trên 14 tỷ USD.
Tuy nhiên từ quý 1/2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: xuất khẩu gỗ và lâm sản quý 1/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%.
Theo ông Lập, việc sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu.
Chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã làm ảnh hưởng tới việc thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Hoa Kỳ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Để giúp cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những khó khăn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm.
Đồng thời, cần thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp, trong khi hội chợ trong nước hiện có giá 2.000 - 2.200 USD/ gian hàng chuẩn; hội chợ thế giới như High Point - Mỹ có giá 3.200 - 3.500 USD/gian hàng tiêu chuẩn.
Đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, ông Lập cho hay hiện nay, Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp trong ngành gỗ đều làm ăn chân chính, nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm; đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ông Lập đề nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023.
Cần bình tĩnh, kiên định các mục tiêu
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp gỗ, lâm sản, thủy sản nói riêng đã đồng hành cùng đất nước, góp phần củng cố, tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để ứng phó với những khó khăn, thách thức rất lớn, chưa có tiền lệ, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu tác động kép từ bên trong và bên ngoài.
Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.
Phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn Việt Nam về mức thải chế biến thủy sản và quy chế mức thải ao nuôi thủy sản.
“Các doanh nghiệp trong ngành gỗ và thủy sản cần phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp”, Thủ tướng nêu rõ.
Cần bình tĩnh, kiên định các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện; nhận diện tình hình để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tìm ra giải pháp phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.
Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018-NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản tập trung, phát triển các dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn, tạo giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, khâu chọn, tạo giống thủy sản; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ, lâm sản để tổ chức thực hiện đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, phù hợp với quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai phù hợp tình hình, thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp xu thế chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn; xem xét, nghiên cứu sửa đổi Quy chuẩn nước thải phù hợp với ngành thủy sản.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…