Liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài sáng 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu.
Doanh nghiệp FDI cam kết đầu tư thêm gần 4 tỷ USD vào Việt Nam
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
"Chẳng hạn như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng... để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về các vấn đề khác, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực.
Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới phòng cháy chữa cháy, thuốc, vật tư y tế, năng lượng (quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp), thủ tục cấp phép vận hành các cơ sở giáo dục, đánh giá tác động môi trường...
Chia sẻ thêm trong hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đã có 3 tập đoàn cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỷ USD. Đó là các nhà đầu tư của CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế.
Sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo khoảng 1,5 tỷ USD; sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu USD; sản xuất năng lượng, logictics khoảng 1,6 tỷ USD.
TP.HCM, Hà Nội sẽ hình thành các khu công nghiệp mới
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá các ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu thực thi vào năm 2024.
"Năm 2022, thành phố thu hút 4,33 tỷ USD vốn FDI, trong đó hàm lượng dự án yếu tố công nghệ cao đạt 2,8 tỷ USD chiếm 65,78% tổng vốn đầu tư năm 2022. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ) còn chưa đồng bộ, phát triển tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát triển của vùng", ông đánh giá.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP đang thiếu quỹ đất công nghiệp để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Hiện, thành phố đang đẩy mạnh các dự án về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics chuyển đổi năng lượng và tạo thêm quỹ đất công nghiệp bằng việc hình thành các khu công nghiệp mới và điều chỉnh giá tại các khu công nghiệp hiện hữu.
Theo đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cập nhật chiến lược chính sách quốc gia về thu hút FDI và sớm có kế hoạch, chính sách phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Đây là việc rất quan trọng đối với thu hút đầu tư FDI.
"Kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, giấy phép lao động, thuế, phòng cháy chữa cháy", ông nói.
Đồng thời ông Mãi kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, quyết định bổ sung vào danh mục Quy hoạch Khu công nghiệp thành phố 2 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I diện tích 379 ha và khu công nghiệp Phạm Văn Hai II diện tích 289 ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết các khu công nghiệp này sẽ định hướng theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư ngành điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%).
"Về quy hoạch, thành phố có sự thay đổi về địa giới hành chính vào năm 2008 và hiện nay cũng đang triển khai quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai thực hiện. Từ đó, công tác xây dựng các danh mục, các dự án để công bố, kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn", ông thừa nhận.
Thời gian tới, ông Quyền cho biết Hà Nội cũng sẽ tạo mặt bằng sạch để thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang triển khai các thủ tục để thành lập 4-5 khu công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là điều kiện để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.