Công điện mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, quyết định thành công của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, thực hiện cung ứng điện trong thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn do nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, đã để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối mùa khô năm 2023.
Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân và tập thể.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng, Phó Thủ tướng về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ. Cụ thể nhất là kế hoạch để triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm đảm bảo nguồn cung cho hệ thống điện miền Bắc trong các năm sắp tới.
Bên cạnh đó, dự báo và xây dựng kế hoạch để chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ, liên tục đảm bảo cung cấp đúng thời gian, đủ khối lượng, đúng chủng loại than phục vụ sản xuất điện theo hợp đồng/cam kết đã ký.
Phối hợp với các đơn vị liên quan để dự báo tình hình sử dụng và cung ứng nhiên liệu, đảm bảo an ninh cung cấp điện; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện mọi giải pháp đảm bảo tiến độ chuỗi dự án khí - điện Lô B theo Quy hoạch điện VIII; theo dõi, giám sát tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm, như dự án Cá Voi Xanh, Thị Vải - Nhơn Trạch...
Với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đảm bảo cung cấp điện, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu cho nhiệt điện để cấp điện cao điểm mùa khô hàng năm.
Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm cấp điện cho miền Bắc. Điển hình, Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu nhất định hoàn thành và đóng điện đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong tháng 6 năm nay.
Bên cạnh đó là các dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I. EVN cũng được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong triển khai chuỗi Dự án khí - điện Lô B.
Đối với Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu kịp thời phê duyệt theo pháp luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Chỉ đạo, đôn đốc HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung triển khai các dự án năng lượng trọng điểm, rà soát các khó khăn vướng mắc, giải quyết theo thẩm quyền và chỉ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu có vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ thị cho Bộ trưởng Tài chính cùng các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hướng dẫn và hàng năm có kế hoạch cụ thể kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giá đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, khí, dầu và cung cấp than, khí, dầu cho sản xuất điện; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thực hiện cơ chế bán lẻ điện theo quy định...
Đối với Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình liên quan tới hoạt động điện lực.
Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện chịu trách nhiệm thu xếp đầy đủ nhiên liệu sơ cấp để cung cấp ổn định, liên tục theo yêu cầu huy động của hệ thống điện trong suốt thời gian tồn tại của nhà máy.
Đặc biệt cần tính toán chính xác khối lượng than phải tự thu xếp cho phát điện ngoài khối lượng than do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cam kết cung cấp để chuẩn bị đầy đủ, kịp thời cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường...
"Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng tổ máy sẵn sàng phát điện nhưng lại thiếu nhiên liệu dẫn đến không phát đủ công suất hoặc phải dừng tổ máy", công điện nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thành tính toán nhu cầu than cho sản xuất điện và ký hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện hàng năm trước ngày 1/12 của năm liền kề trước đó, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương trước ngày 10/12 hàng năm (kèm theo nhu cầu than và hợp đồng mua bán than đã ký với tất cả các đơn vị cung cấp) để phục vụ việc xây dựng Biểu đồ cấp than cho điện.