Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Chiều 14/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành "điểm sáng" và là một "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thêm 238.338 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị, đưa tổng nguồn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,8%.
Điểm nổi bật là 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đến nay đạt 47.350 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt 350.822 tỷ đồng, tăng gần 171% so với cuối năm 2014 với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,5%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2% năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.
Các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA và mở rộng các hình thức huy động vốn.
Đặc biệt, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (cho vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội) giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Trong đó, 15.000 tỷ đồng sẽ được lấy từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.