Phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022 ngày 26/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Diễn đàn được tổ chức để chính phủ, doanh nghiệp của hai quốc gia cùng chia sẻ góc nhìn, ý tưởng và kế hoạch hành động hợp tác để cùng phát triển.
Đây cũng là dịp để hai bên chia sẻ tri thức, nắm bắt xu thế của thời đại, công nghệ tiên tiến để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Các phiên đối thoại toàn thể của Diễn đàn về toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0, công nghiệp số, phát triển bền vững... đều có tính thời sự, phản ánh xu thế của thời đại, của các quốc gia trong đó có Việt Nam và Ấn Độ.
“Thông qua Diễn đàn, chúng ta cùng đánh giá sâu, xem xét kỹ lưỡng tác động các vấn đề khu vực, liên khu vực, toàn cầu với triển vọng phục hồi, phát triển toàn diện, bền vững của Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt, chúng ta sẽ cùng nhau có tiếng nói để khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo, vượt ra khỏi lối nghĩ, cách làm truyền thống để đạt được những kết quả thiết thực trong một bối cảnh có rất nhiều điều khó lường”, Phó Thủ tướng Chính phủ đưa ra mong muốn đối với Diễn đàn.
Cũng theo Phó Thủ tướng, thế giới đang trải qua những biến động lớn, đặt ra cho chúng ta các bài toán về quản trị ở cả tầm quốc gia cũng như doanh nghiệp. Hệ sinh thái tự nhiên - xã hội chịu nhiều tổn thương sau khi phải căng mình trước những tác động của đại dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu…
Đâu đó đã xuất hiện những suy nghĩ có phần bi quan về tương lai, nhưng trên hết đây là cơ hội để các chính phủ, doanh nghiệp cùng suy ngẫm về những cách làm mới, kiến tạo các giá trị mới. Nâng cao năng lực chống chịu và tính đổi mới sáng tạo, tăng cường tính bền vững, gia tăng tính bền bỉ trở thành mục tiêu, nhu cầu tất yếu của các chính phủ và doanh nghiệp.
Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết sau gần 40 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Quy mô GDP đã tăng 100 lần từ con số 4 tỷ USD lên gần 400 tỷ USD trong năm nay. Người dân được đặt vào vị trí trung tâm, là chủ thể trong quá trình phát triển. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong các năm qua tăng liên tục, đạt 0,703 điểm năm 2021 đưa Việt Nam từ nhóm trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới.
"Là tâm điểm của nhiều mạng lưới liên kết kinh tế năng động, có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường, có hiệp định thương mại tự do với 60 đối tác thương mại, Việt Nam tiếp tục là bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài", Phó Thủ tướng nói.
Theo ông Rajkumar Ranjan Singh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Ấn Độ đang xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh, phấn đấu sau 10 - 15 năm sẽ thành một siêu cường kinh tế trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ tạo nhiều cơ hội cho cộng đồng kinh doanh và đối tác thân thiết của doanh nghiệp Ấn Độ là các doanh nghiệp Việt Nam.
"Việt Nam là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của Ấn Độ. Các doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ có thể tìm kiếm cơ hội phát triển công nghệ viễn thông, chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản...", ông Rajkumar Ranjan Singh nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định rằng Diễn đàn là một sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế uy tín, với mục đích chính là để tìm ra và thúc đẩy các giải pháp cho những thách thức quan trọng nhất đối với các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia.
Đặc biệt, thông qua Diễn đàn lần này, vị đại diện tỉnh Bình Dương hy vọng sẽ tìm ra được những giải pháp quan trọng mang tính thời đại, góp phần phát triển nền kinh tế Bình Dương ngày càng năng động và sẵn sàng cho hội nhập quốc tế; phục vụ hiệu quả cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công mục tiêu phát triển tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.