Hôm thứ Hai vừa rồi, công ty Coherus Biosciences có trụ sở tại California, hợp tác với công ty Shanghai Junshi Biosciences để tiếp thị Toripalimab – một loại thuốc trị ung thư do các nhà khoa học Trung Quốc phát triển và gần đây đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.
Tại Trung Quốc, giá một lọ Toripalimab liều đơn là khoảng 2.000 nhân dân tệ (280 USD). Trong khi đó, giá bán buôn của một lọ liều đơn Loqtorzi – tên của Toripalimab được tiếp thị tại thị trường Mỹ, là khoảng 8.892 USD, theo hồ sơ Coherus gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.
Theo trang FiercePharma, mức tăng này vẫn sẽ thấp hơn 20% so với Keytruda – loại thuốc kháng thể PD-1 bán chạy nhất ở Mỹ.
Sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt Toripalimab, thêm hai loại thuốc trị ung thư do Trung Quốc sản xuất đã nhận được chấp thuận để phân phối tại Mỹ trong tháng này.
Đó là Fruquintinib, một loại thuốc uống do công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc HutchMed phát triển, đã được phê duyệt vào ngày 9/11 để điều trị cho người mắc bệnh ung thư đại trực tràng di căn đã được điều trị trước đó.
Loại thứ 2 là thuốc tiêm Efbemalenograstim được phát triển bởi Evive Biotech, công dược phẩm sinh học trực thuộc Yifan Pharmaceutical có trụ sở tại Hàng Châu, đã được phê duyệt vào ngày 16/11 để điều trị tình trạng giảm bạch cầu do hóa trị liệu hoặc suy giảm một loại tế bào bạch cầu.
Fruquintinib sẽ được công ty dược phẩm Takeda có trụ sở tại Tokyo tiếp thị với tên gọi Fruzaqla ở Mỹ, cũng sẽ phải đối mặt với mức tăng giá tương tự như Toripalimab. Theo trang tin y tế Trung Quốc Medical Valley, một hộp gồm 21 viên, mỗi viên chứa 5mg thuốc được bán ở Trung Quốc với giá khoảng 7.500 nhân dân tệ (1.050 USD). Ở Mỹ, mức giá bán buôn sẽ là 25.200 USD, cao gấp 24 lần giá niêm yết tại Trung Quốc.
Các công ty dược phẩm ở Mỹ tuyên bố chi phí nghiên cứu và phát triển thuốc cao là nguyên nhân khiến giá thuốc ở nước này tăng cao. Tuy nhiên một nghiên cứu được công bố năm ngoái trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã phản đối ý kiến này.
Các tác giả nhận thấy rằng trong số 60 loại thuốc họ nghiên cứu – chiếm 1/5 tổng số thuốc được phê duyệt trong khoảng thời từ năm 2009 đến 2018 – không có mối liên hệ nào giữa chi phí nghiên cứu ước tính và giá niêm yết của thuốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng các công ty dược phẩm niêm yết giá theo mức thị trường chấp nhận và nhu cầu về thuốc.