Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – nhằm làm rõ hơn vấn đề này.
Ông dự báo như thế nào về tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian tới?
Dịch Covid-19 được đánh giá là "chất xúc tác" thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu công bố của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tốc độ tăng trưởng trung bình doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của năm 2020 - 2021 đạt 17%/năm, đạt tổng doanh thu 13,7 tỷ USD và chiếm 7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2021.
Ước tính, giá trị mua sắm trung bình của mỗi người tiêu dùng trực tuyến đạt 270 USD, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến tăng từ 77% năm 2019 lên 88% năm 2020. Giai đoạn dịch bệnh đã góp phần tạo thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, đặc biệt ở những thành phố lớn.
Cùng với đó, các chính sách, văn bản pháp luật điều chỉnh những vấn đề liên quan trực tiếp đến thương mại điện tử bắt đầu có hiệu lực và được triển khai đã thúc đẩy cho tăng trưởng thương mại điện tử như Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025...
Dự báo, trong thời gian tới, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, đời sống bình thường trở lại, thương mại điện tử sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Các tổ chức quốc tế uy tín cũng đưa ra dự báo tích cực đối với tình hình thương mại điện tử Việt Nam. Cụ thể, Google và Temasek dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế internet Việt Nam (bao gồm thương mại điện tử vận tải, thực phẩm, du lịch trực tuyến và nội dung nghe nhìn trực tuyến) đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm.
Trước những tín hiệu lạc quan của thương mại điện tử ông có thể nói rõ hơn về những thành quả và thách thức mà thương mại điện tử đang gặp phải?
Sự bứt tốc của thương mại điện tử có thể thấy rõ qua thống kê của một số sàn giao dịch thương mại điện tử. Quý II, III/2021, số lượng người bán trên sàn tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, có tới 40% người bán hàng mới trên nền tảng đến từ khu vực phi thành thị. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường thương mại điện tử ghi nhận có gần 8.000 hộ nông dân, 15.600 nông sản tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử , tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng nhà bán hàng mới đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lần lượt là 29% và 31%.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử hiện cũng phải đối diện với nhiều thách thức, điển hình là cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ logistics. Làm sao để đảm bảo bài toán hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, đáp ứng chất lượng với chi phí thấp và mang đến những trải nghiệm hài lòng cho người tiêu dùng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp hoạt động trong thương mại điện tử . Ngoài ra, hệ thống logistics hiệu quả cũng sẽ là "chìa khóa" tăng trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử của khách hàng.
Một thách thức lớn khác trong môi trường thương mại điện tử là vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử , đặc biệt đối với tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên website thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn, bất cập và cần nhiều giải pháp toàn diện hơn.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thương mại điện tử ngày càng phát triển, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
Để triển khai một số giải pháp, nhằm nâng cao nghiệp vụ kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử , thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện đào tạo cho cán bộ lực lượng quản lý thị trường (10 lớp kiểm soát viên chính của Tổng cục Quản lý thị trường với khoảng hơn 1.000 cán bộ của lực lượng quản lý thị trường).
Ngoài ra, Cục đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng bộ tài liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử ; phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra và lực lượng quản lý thị trường trong việc cung cấp thông tin xử lý vi phạm đối với hơn 250 webiste/ứng dụng trong năm 2021.
Bên cạnh đó, Cục đã tham gia công tác xây dựng đề án "Chống hàng giả trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025" do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì. Đặc biệt, Cục đã cử cán bộ tham gia các hoạt động như: Kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng hóa của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Xin cảm ơn ông!