Đây là kết quả nghiên cứu đưa ra trong báo cáo “SYNC Đông Nam Á” về người tiêu dùng số tại Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển mới của Meta và Bain & Company, công bố chiều 13/10/2022.
Dựa vào khảo sát 16.000 người tiêu dùng kỹ thuật số Đông Nam Á trong đó có 3.600 người đến từ Việt Nam, báo cáo cho thấy những thay đổi quan trọng trong hành vi của người tiêu dùng số của các nước trong khu vực và Việt Nam cũng như sự phát triển của kinh tế số và tương lai thương mại điện tử trong khu vực.
Việt Nam đang có 60 triệu người tiêu dùng số
5 năm qua, thị trường thương mại điện tử khu vực và Việt Nam có sự bùng nổ tăng trưởng mạnh. Đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, khoảng 28% và đạt mức 40 tỷ USD. Đóng góp trung bình của thương mại điện tử vào tổng bán lẻ đã tiếp tục tăng ở mức 15%, với tỷ trọng là 6%.
Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam, Meta cho biết, Đông Nam Á luôn là thị trường có nhiều cơ hội, tích cực về số lượng người dùng. Trong năm qua, Việt Nam ghi nhận thêm 4 triệu người tiêu dùng số, đã có giao dịch mua hàng online. Đặc biệt, cứ 8/10 người trong độ tuổi làm việc đã là người tiêu dùng số. Điều này đồng nghĩa Việt Nam đang có 60 triệu người tiêu dùng số.
Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng khu vực đang ở một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên trải nghiệm mua sắm tích hợp kết hợp hiệu quả giữa các trực tuyến và trực tiếp. Sau đại dịch, 10% người Việt Nam được khảo sát đã chuyển ít nhất một trong các danh mục mua sắm từ kênh trực tuyến sang trực tiếp.
Tuy nhiên, có nhiều danh mục mua sắm vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn “chốt đơn" online, thậm chí có những ngành ngày càng thu hút được người tiêu dùng mua hàng hơn trên online với giá trị giỏ hàng lớn hơn ngay cả trong giai đoạn bình thường mới. Giá trị đơn hàng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng từ 45 USD trong năm 2021 lên 50 USD trong năm 2022.
“Điều này cho thấy mua sắm trực tuyến tiếp tục đóng vai trò là một kênh quan trọng đối với người mua sắm kỹ thuật số trong nước”, ông Khôi nói. Trong giai đoạn khám phá, 84% người mua sắm Việt Nam xem trực tuyến là kênh truy cập của họ để duyệt và tìm các mặt hàng.
Đây là giai đoạn người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sử dụng nhiều nền tảng hơn bao giờ hết với sự thống trị của thị trường Thương mại điện tử chiếm 51% chi tiêu trực tuyến, trong khi các mạng xã hội chiếm gần một nửa lượng khám phá trực tuyến, bao gồm hình ảnh (16%), video trên mạng xã hội (22%) và các công cụ liên quan như nhắn tin (9%).
Mạng xã hội và các công cụ liên quan như nhắn tin là những kênh tối quan trọng đối với người mua sắm kỹ thuật số của Việt Nam trong giai đoạn cân nhắc, chiếm 44% tỷ lệ người tham gia khảo sát.
Đứng đầu về tỷ lệ tiếp nhận công nghệ Fintech và Metaverse
Sự cởi mở của người tiêu dùng với việc tương tác và thử nghiệm cũng dẫn tới thay đổi về hành vi với 64% người dùng cho biết đã tương tác với một tài khoản kinh doanh hội thoại của doanh nghiệp trong năm qua. Tại Việt Nam, lượng bán hàng trung bình liên quan tới các phẩm giải trí, streaming và các sản phẩm liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung trong 3 tháng trước cuộc khảo sát đã tăng 12 lần.
Đặc biệt có 6/10 người tiêu dùng Việt Nam không biết mua cái gì khi bắt đầu mua hàng online. Điều này có nghĩa họ sẵn sàng thử nghiệm, khám phá cái mới. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cởi mở trong lựa chọn, thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm khi mua hàng. 22% số đơn hàng trực tuyến được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau.
Với các yếu tố của thị trường và hành vi người dùng như trên, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ có thể vươn lên mạnh mẽ nếu tập trung đi đúng hướng, xây dựng chiến lược kênh tích hợp, linh hoạt chuỗi cung ứng và ứng dụng các công cụ số và công nghệ mới để tiếp cận, tương tác, nâng tầm trải nghiệm, giữ chân người tiêu dùng kỹ thuật số.
Giá trị là một trong những yếu tố chính thúc đẩy hành vi này khi "giá tốt hơn" được chọn là lý do hàng đầu để chuyển đổi nền tảng, tiếp theo là chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng nhanh hơn. Số lượng nền tảng trực tuyến được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng đã tăng từ 8 nền tảng (năm 2021) lên 16 nền tảng (năm 2022).
Những đặc thù này này đòi hỏi doanh nghiệp phải có hướng tiếp cận phù hợp, hiệu quả, trân trọng từng cơ hội tiếp cận với khách hàng và xây dựng niềm tin để giữ chân nhóm khách hàng tiêu dùng số này gắn kết với thương hiệu nhiều hơn, ông Khôi Lê nói.
Hành vi người tiêu dùng cũng có sự thay đổi khi online. Nếu như trong năm 2021, người dùng số Việt Nam truy cập mạng thường lướt mạng xã hội, xem video, nhắn tin, mua hàng online và chơi game thì hiện nay người dùng Việt Nam ưu tiên xem video và nhắn tin nhiều hơn. Đây là một xu hướng sẽ định hình cho năm nay và các năm tiếp theo mà các nhà doanh nghiệp cần tận dụng để tiếp cận người dùng, phát triển kinh doanh.
Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường đứng đầu về tỷ lệ đón nhận các công nghệ tương lai như công nghệ tài chính (Fintech) và Metaverse, bên cạnh Indonesia và Philippines. 58% người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng các giải pháp Fintech (ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền...) trong năm qua.
Theo kết quả khảo sát, 7 trong số 10 người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng công nghệ liên quan đến Metaverse (tiền điện tử, thực tế tăng cường/thực tế ảo, thế giới ảo và NFT) trong năm 2022. Đặc biệt, Việt Nam có tỷ lệ ứng dụng VR cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á với 29%. Các công nghệ AR, NFTs cũng được người dùng đón nhận ở top đầu khu vực.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang rất sẵn sàng với các công nghệ mới. Đây là cơ hội lớn cho nền kinh tế số và sự phát triển của những ngành mới ở Việt Nam thời gian tới, ông Khôi Lê nói.