Dựa trên số liệu thu thập được từ một số tổ chức uy tín trên thế giới và kết quả điều tra từ khoảng 11.000 cá nhân người tiêu dùng và gần 10.000 doanh nghiệp, báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Ước tính, với doanh thu 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với 74% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD.
Theo thống kê, các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…
Một điểm đáng chú ý, nếu như hoạt động mua sắm của người dùng trên website thương mại điện tử giảm thì kênh mua sắm trên diễn đàn mạng xã hội và các ứng dụng mua hàng trên di động lại tăng mạnh. Cụ thể, trên diễn đàn mạng xã hội tăng từ 42% lên 65% và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động tăng từ 47% lên 63%.
Báo cáo cũng cho biết, thời gian trung bình truy cập Internet của người dùng Việt Nam (khoảng 6 giờ 23 phút) tương đương với mức trung bình toàn cầu (6 giờ 37 phút), thấp hơn Philippines (9 giờ 14 phút), Thái Lan và Malaysia (cùng 8 giờ 6 phút), Indonesia (7 giờ 42 phút), Singapore (6 giờ 59 phút).
Trên toàn cầu, có 57,6% người dùng Internet đã có mua hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến hàng tuần, khoảng 14,2% người dùng internet mua hàng đã qua sử dụng; 23,5% người dùng sử dụng dịch vụ so sánh giá trực tuyến; 18,4% sử dụng dịch vụ mua ngay trả sau.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%. Cụ thể, tỷ lệ này ở Việt Nam là 60,7%, trong khi đó Thái Lan (66,8%), Hàn Quốc (65,6%), Indonesia (62,6%), Ấn Độ (62,3%), Trung Quốc (61,9%)…
Doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử trên toàn cầu năm 2022 đạt 5,5 nghìn tỷ USD. Dự báo năm 2023, con số này ước đạt khoảng 6,2 nghìn tỷ USD, sẽ tăng lên 6,8 nghìn tỷ USD năm 2024 và đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Khu vực Đông Nam Á và Châu Mỹ La tinh có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử lớn nhất trong số các khu vực trên toàn cầu (lần lượt là 20,6% và 20,4%). Trong khi đó, trên toàn cầu, tỷ lệ này là 12,2%, khu vực Tây Âu (6,1%), Châu Á-Thái Bình Dương (11,8%), Bắc Mỹ (15,5%), Trung và Đông Âu (16,1%).
Chia theo khu vực, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đạt cao nhất (hơn 3.323 tỷ USD), cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác như Bắc Mỹ (hơn 1.144 tỷ USD), Tây Âu (hơn 694 tỷ USD), Đông Nam Á (gần 90 tỷ USD)…
Theo thống kê, Trung Quốc là quốc gia chiếm thị phần thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu năm 2022 (50,2%), cao hơn rất nhiều so với quốc gia đứng sau là Mỹ chỉ chiếm 19,2%. Còn lại trong số top 12 quốc gia chiếm thị phần thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu cũng chỉ đạt 1-4%.
Trung Quốc cũng nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ thương mại điện tử bán lẻ lớn nhất toàn cầu với con số 46,3%, tiếp đó là Anh (36,3%), Hàn Quốc (32,2%), Đan Mạch và Indonesia ở vị trí 4 và 5 cùng có tỷ lệ 20,2%.
Theo các nghiên cứu, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2022 của Trung Quốc đạt 2.879 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ đạt 3.167 tỷ USD trong năm 2023, tăng lên 3.449 tỷ USD năm 2024 và đạt ngưỡng gần 4 tỷ USD vào năm 2026.
Còn tại khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2022 đạt 131 tỷ USD và con số này sẽ tăng lên 211 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam ở vị trí số 3 về quy mô nền kinh tế Internet phân theo quốc gia (đứng sau Indonesia và Thái Lan).
Cụ thể, quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.
Trong khi đó, nước dẫn đầu là Indonesia có quy mô 77 tỷ USD và sẽ đạt 130 tỷ USD vào năm 2025. Hiện doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Indonesia năm 2022 đạt 59 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên 95 tỷ USD năm 2025.