Theo tờ báo Wall Street Journal, dòng chảy thương mại toàn cầu suy yếu đang làm rộng thêm khoảng cách tăng trưởng trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) - “câu lạc bộ” mà các nhà lãnh đạo vừa có cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tuần vừa rồi ở Ấn Độ. Sự gia tăng khoảng cách này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu.
Trong đó, phần thiệt hại sẽ rơi vào những nền kinh tế “hướng ngoại” vốn có mức thặng dư thương mại lớn và giờ đây đang chứng kiến tăng trưởng tụt lại so với những nước như Mỹ và Ấn Độ - những quốc gia có thị trường nội địa lớn và dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để tăng trưởng.
Trái ngược bức tranh kinh tế Mỹ và các nền kinh tế lớn khác
Theo dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại hàng hoá toàn cầu đã giảm trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài sự suy giảm bắt đầu từ năm ngoái. Giới kinh tế học dự báo đà suy giảm này sẽ tiếp tục trong thời gian còn lại của năm nay.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện đang tăng trưởng với tốc độ gần 6% - theo một chỉ báo sớm từ chi nhánh Atlanta của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,8% trong quý 2 năm nay, mức tăng mạnh mẽ nhất trong 1 năm. Ngược lại, tăng trưởng ở eurozone - nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn hơn vào thương mại - chỉ chớm ngưỡng dương trong quý 2 và đang yếu hơn nhiều so với xu hướng tăng trưởng trước đại dịch.
Tình trạng sụt dốc của thương mại toàn cầu phản ánh nhiều yếu tố tạm thời gồm lãi suất tăng và sinh hoạt phí tăng, cộng thêm việc các doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho khi tình trạng khan hiếm hàng hoá trên toàn cầu được giải toả. Tuy nhiên, thương mại giảm cũng là hệ quả của những thay đổi dài hạn hơn như sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, các chính sách bảo hộ công nghiệp gia tăng ở phương Tây, và việc các quốc gia tăng cường sử dụng các biện pháp kinh tế - từ cấm vận công nghệ cho tới tăng cường giám sát đầu tư ra nước ngoài - cho mục đích cạnh tranh địa chính trị.
“Thương mại toàn cầu sẽ bớt toàn cầu hơn” trong tương lai, với các giao dịch sẽ diễn ra nhiều hơn trong nội bộ các khối khu vực - theo nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg Bank. Vị chuyên gia cũng cho rằng thương mại toàn cầu sẽ dịch chuyển khỏi hàng hoá về phía dịch vụ, mang lại cú huých cho những nền kinh tế như Mỹ và Ấn Độ vốn có thế mạnh về công nghệ thông tin và các dịch vụ khác, trong khi thiệt hại sẽ rơi vào những cường quốc sản xuất như Đức và Trung Quốc.
Sự suy yếu của thương mại toàn cầu đang tác động tới các ngành công nghiệp ở khắp mọi quốc gia, từ các nhà sản xuất smartphone và máy móc cho tới các công ty vận tải biển, làm trầm trọng thêm một cuộc suy thoái sản xuất đang bao trùm lên những khu vực rộng lớn của nền kinh tế toàn cầu. Sự suy giảm này đối nghịch với những thập kỷ liên tục mở rộng của thương mại toàn cầu, bao gồm thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ gần đây sau khi các nút thắt thời đại dịch Covid-29 được tháo gỡ, mang lại lợi ích to lớn cho các nền kinh tế dựa nhiều vào sản xuất và xuất khẩu.
Ngoài căng thẳng địa chính trị, thương mại còn đang bị ảnh hưởng bởi những dịch chuyển to lớn về nguồn cung năng lượng và trong lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu do tác động của những sự kiện như chiến tranh Nga-Ukraine và biến đổi khí hậu - theo nhà kinh tế Dirk Schmacher của Natixis. Những ngành công nghiệp như sản xuất ô tô cũng đang trải qua sự thay đổi lớn.
Điều này ảnh hưởng bất lợi nhiều đến những quốc gia mà sản xuất công nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Sản xuất chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế ở Trung Quốc, so với mức 18% ở Đức và 11% ở Mỹ - theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Sản lượng của lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu trong tháng 8 vừa qua đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp - theo các cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng do S&P Global thực hiện. Suy thoái công nghiệp toàn cầu là hiện tượng hiếm gặp, mà chỉ từ cuộc khủng hoảng nợ 2012 của eurozone tới nay, thế giới mới trải qua một lần khác ngoại trừ giai đoạn đại dịch Covid.
Chi phí vay vốn tăng cao là một trong những yếu tố khiến thương mại suy yếu. 18 tháng qua là khoảng thời gian các ngân hàng trung ương lớn tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, dẫn tới một hệ quả là lượng tiền mặt trong tay các doanh nghiệp giảm mạnh, gây áp lực lên đầu tư và thương mại. Tiêu dùng cũng đương đầu với sức ép giảm khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng.
Lãi suất của đồng USD và tỷ giá USD tăng cũng có thể đặt ra trở ngại lớn cho tài chính thương mại - theo Oxford Economics.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 7,3% - theo dữ liệu chính thức được Tổng cục Thống kê nước này công bố vào tuần trước. Những con số này phản ánh các hạn chế thương mại, nhu cầu tiêu dùng yếu đi, và cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc gây suy giảm nhu cầu nhập khẩu các hàng hóa cơ bản và đầu vào của nước này. Thương mại giảm sút của Trung Quốc đang “lây” sang phần còn lại của châu Á, thể hiện qua giá trị xuất khẩu khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sụt giảm theo.
Triển vọng ảm đạm của thương mại toàn cầu
Trong một nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, nền kinh tế Mỹ có độ linh hoạt cao hơn và “hướng nội” nhiều hơn đang nổi bật như một ngoại lệ. Mặc những dấu hiệu gần đây cho thấy thị trường việc làm của Mỹ ít nhiều yếu đi, tiêu dùng của nước này vẫn mạnh và sản lượng của lĩnh vực sản xuất Mỹ có vẻ giữ vững hơn so với ở các nền kinh tế phát triển khác. Mỹ đang hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động đầu tư vào các nhà máy, khi các doanh nghiệp của nước này ngày càng dịch chuyển sản xuất nhiều hơn về gần nhà và tìm kiếm nguồn năng lượng giá rẻ.
Ngược lại, thương mại đang giảm rõ rệt ở các hải cảng lớn của châu Âu như Hamburg, nơi số lượng container thông quan giảm khoảng 12% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng hoá thông quan qua cảng Rotterdam của Hà Lan cũng giảm 8%, trong khi mức giảm ghi nhận ở cảng Antwerp-Bruges của Bỉ là 5%.
“Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hoá của eurozone đã chững lại trong năm nay, khó có chuyện nền kinh tế khu vực này phục hồi bền vững trước năm 2024”, nhà kinh tế Angel Talavera của Oxford Economcis nhận định.
Xu hướng ảm đạm của thương mại toàn cầu được các nhà kinh tế học dự báo sẽ còn tiếp diễn. Tháng trước, hãng vận tải biển khổng lồ AP Moller-Maersk của Đan Mạch, thường được coi là “hàn thử biểu” của thương mại toàn cầu, báo cáo lợi nhuận quý 2 giảm chóng mặt do giá cước vận tải container đường biển lao dốc. Công ty này cảnh báo nhu cầu vận tải biển toàn cầu sẽ còn sụt giảm sâu hơn.
Bức tranh thương mại toàn cầu cũng có những điểm sáng nhất định. Xuất khẩu ô tô tăng mạnh đã góp phần vào mức tăng trưởng tốt hơn dự báo ở Nhật Bản và Trung Quốc trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, sự sụt giảm mạnh mẽ của xuất khẩu con chip - một nhân tố chủ chốt trong suy giảm thương mại châu Á - có thể đã đến đáy.
Tuy nhiên, với sổ đơn hàng ngày càng mỏng đi và số đơn hàng mới ngày càng giảm, sản lượng công nghiệp của một số nền kinh tế có thể giảm nhanh hơn trong những tháng sắp tới. Bên cạnh đó, mức giá hàng hoá hiện còn cao, và lãi suất đang ở mức cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Các ngân hàng trung ương lớn được dự báo sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để kéo lạm phát xuống.
Có những quốc gia hưởng lợi và có những nước thiệt hại từ sự giảm sút của thương mại toàn cầu, nhưng sự giảm sút đó dẫn tới một tình trạng chung là tốc độ sản sinh tài sản của thế giới sẽ chậm lại. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm từ mức 2,4% dự kiến đạt được trong năm nay xuống còn 2% trong năm tới - mức thấp nhất hàng năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngoại trừ năm 2020 - theo Oxford Economics.