Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Ba Lan tại châu Á. Trong những năm qua, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tổng kim ngạch hai chiều với Ba Lan tăng đều và ở mức cao. Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Đông Âu trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài châu Âu.
Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm hàng may mặc, giày dép, thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê. Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn. Vì vậy, hai bên còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản thực phẩm nhờ những lợi thế bổ sung cho nhau.
Để thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, tại cuộc họp tham vấn hợp tác kinh tế - thương mại song phương với Bộ Công Thương Việt Nam mới đây, chúng tôi đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên trong đó tập trung vào những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong hợp tác thương mại và đầu tư để tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp Ba Lan tại Việt Nam.
Thời gian tới, phía Ba Lan sẽ tăng cường tổ chức đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam để khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua việc tham gia vào các hội chợ triển lãm, kết nối doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm. Cán cân thương mại giữa hai nước hiện nay đang thiên lệch và phía Ba Lan đang từng bước nỗ lực cân bằng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với Việt Nam.
Việt Nam và Ba Lan là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều…
Trong khi đó, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU. Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm, Ba Lan có thể chia sẻ kinh nghiệm cải tiến công nghệ nông nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay Ba Lan cũng đang quan tâm tới việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chúng tôi có rất nhiều doanh nghiệp giỏi có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt và cạnh tranh nhất cho Việt Nam.
Nếu thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng từ Ba Lan vào Việt Nam như thịt bò, thịt lợn… thuận lợi hơn, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Ba Lan sang Việt Nam sẽ có sự cải thiện rõ rệt. Phía Ba Lan vẫn đang trong quá trình đàm phán, trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam để có giải pháp cho vấn đề này. Chúng tôi hy vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết khi có nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây.
Riêng đối với lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, Ba Lan vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác với Việt Nam. Tại châu Âu, Ba Lan hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số với việc ứng dụng nhiều phần mềm tích hợp liên quan như công dân điện tử, sổ khám bệnh điện tử, quản lý tài chính, ngân hàng và tiền tệ…
Để hướng tới mục tiêu phát triển thương mại hài hòa, cân bằng, hệ thống các văn phòng thương mại nước ngoài của Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với các công ty và tổ chức địa phương.
Song song với đó, Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan cũng tập trung cung cấp thông tin kinh tế và thương mại trên thị trường nước ngoài, cũng như cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài thông tin về các điều kiện và quy định quản lý hoạt động kinh doanh tại Ba Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu kinh doanh và đầu tư tại Ba Lan có thể liên hệ với Văn phòng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài vào Ba Lan hiện nay cũng rất hấp dẫn. Ngoài các hỗ trợ về thủ tục pháp lý, miễn giảm thuế, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tiền xây trụ sở…
Những năm gần đây, Ba Lan nổi lên là một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Đông Âu. Trong đó, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Ba Lan với nhiều dự án quy mô lớn của các tập đoàn như Samsung, LG…
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, giá cả một số hàng hóa tăng cao nhanh chóng. Điều này gây áp lực lên lạm phát và buộc người dân phải hạn chế chi tiêu. Cùng với đó, suy thoái kinh tế càng làm cho dòng tiền “dậm chân tại chỗ”. Vì thế, vấn đề của Ba Lan cũng như các nền kinh tế khác là thúc đẩy lưu chuyển tiền tệ, đưa dòng vốn từ nơi này sang nơi khác để thúc đẩy tăng trưởng.
Bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, Ba Lan là một trong những nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng tại châu Âu. Hiện lạm phát ở Ba Lan vẫn giữ được ở mức thấp. Việt Nam cũng là nền kinh tế như vậy. Vì vậy, cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới vẫn rất lớn.