Thứ nhất, tiền điện tử không thể tách rời khỏi tiền thật
Toàn bộ hệ sinh thái tiền điện tử cần được hỗ trợ bởi số lượng đòn bẩy lớn đến mức vượt xa sức tưởng tượng. Đòn bẩy đó là các khoản vay bằng ‘tiền tươi thóc thật’ chứ không chỉ là những chuỗi số 0 và 1 như trong tiền điện tử.
Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là nền tảng cho vay tiền số Celsius. Nền tảng này nhận tiền của người dùng và trả lãi suất, đồng thời tiếp tục đầu tư tiền gửi ấy vào các mô hình khác nhằm kiếm lời và duy trì mức lãi suất công bố.
Tuy nhiên, khi lãi suất tăng lên và giá các đồng tiền điện tử giảm, người ta yêu cầu rút tiền ồ ạt. Lượng lớn tài sản Celsius nắm giữ là đồng stETH lúc đó đang mất giá thảm hại. Do tính thanh khoản kém của stETH, công ty không có đủ tiền thật để trả, từ đó lỗ hàng tỉ USD trên bảng cân đối kế toán và tuyên bố phá sản.
Thứ hai, tiền điện tử không phân tán như ta tưởng
Tiền điện tử không phân tán như chúng ta tưởng. Phần lớn các hoạt động tiền điện tử đều diễn ra ở các sàn giao dịch mang tính tập trung cao. Quyền lực và sự giàu có trong thế giới tiền số còn có tính tập trung cao hơn cả hệ thống tiền tệ truyền thống.
Trong năm 2022, chúng ta mới nhận ra rằng, các đồng tiền số chủ đạo trên thị trường đều đến từ những các-ten tạo ra bởi các người chơi đến từ sàn giao dịch, mạng lưới tiền điện tử hay các công ty stablecoin. Trong đó, stablecoin được cho là nơi trú ẩn an toàn cho người chơi ngay khi thị trường đang manh nha hoặc đã xuất hiện những biến động nhất định.
Những người chơi lớn này trao đổi với nhau thông qua các nhóm chat. Có một nhóm chat gồm các quản lý, giám đốc từ FTX, Binance và Tether được cho là đã xuất hiện trên Signal để ‘điều phối’ thị trường này.
Thứ ba, tiền điện tử giống mô hình tháp Ponzi
Cách thức hoạt động của nền kinh tế tiền điện tử có phần giống mô hình tháp Ponzi và cũng mang tính chu kỳ. Các nền tảng như Celsius, Voyager hay CoinX được cho là lấy tiền của người vào sau để trả cho người vào trước.
Vào tháng 7 năm 2022, Voyager đệ đơn xin phá sản. Tỉ phú Mark Cuban cũng bị kiện cùng với giám đốc điều hành của Voyager với cáo buộc đứng đằng sau kế hoạch Ponzi khổng lồ này, khiến hơn 3,5 triệu người Mỹ hiện mất hơn 5 tỷ USD tài sản tiền điện tử.
Martin Walker từ tổ chức CEBM (Center For Evidence-Based Management) nhận xét rằng: ‘Trong mô hình tháp Ponzi này, các công ty tiền điện tử tự gán giá trị cho những đồng tiền tự tạo của chính mình và của cả những công ty khác. Sổ sách của họ chỉ toàn những đồng tiền vô nghĩa. Khi một trong số các đồng tiền đó sụp đổ, nguyên cả hệ thống cũng sẽ tan biến theo.’
Thứ tư, tiền điện tử đang trong tình trạng lộn xộn và vô luật
Sự sụp đổ của một số lượng lớn sàn giao dịch tiền điện tử trong năm nay đã cho chúng ta cái nhìn cận cảnh về tình trạng lộn xộn, thiếu kiểm soát bằng luật định của tiền điện tử. Được giải phóng khỏi các quy chế pháp lý khó khăn mà hệ thống tài chính truyền thống phải đối mặt, các công ty như FTX có thể tự do làm theo ý mình.
FTX đã sử dụng trái phép tiền của người tiêu dùng, tự ý chuyển hàng tỉ USD tài sản cho quỹ Alameda Research để đầu tư và thâu tóm những dự án khác. Alameda cứ tiếp tục âm thầm ‘vay’ FTX mà khách hàng không hề hay biết. Mọi việc chỉ được đưa ra ánh sáng khi CoinDesk tung ra báo cáo về bảng cân đối kế toán của Alameda, trong đó đề cập đến việc quỹ này và FTX chỉ dùng đồng FTT làm tài sản bảo đảm thay vì có thêm khoản dự phòng mang tính ổn định khác. Sau thông tin đó, hàng loạt người rút tiền khiến FTT mất giá đến 75% chỉ trong một ngày. Cũng giống như Celsius, khi không còn đủ khả năng thanh khoản, FTX nhanh chóng đi tới sụp đổ.
Thứ năm, ‘tiền điện tử không khác gì tôn giáo’
Khi được hỏi liệu tiền điện tử có thể hoàn toàn sụp đổ và mất giá trị hay không, Charles Hoskinson – người sáng lập ra nền tảng blockchain Cardano – đã trả lời là không với lý do: ‘Vào thời điểm này, tiền điện tử giống như một tôn giáo vậy’. Bài học cuối cùng về tiền điện tử rút ra của năm nay là nó có khả năng phục hồi mạnh mẽ kỳ lạ. Mặc dù nhiều nền tảng lớn đã sụp đổ nhưng không ít người vẫn đeo bám hy vọng một ngày nào đó, giá trị tiền điện tử mà họ lỡ đầu tư vào đột nhiên sẽ tăng trở lại. Với niềm tin này, tiền điện tử được đánh giá là ‘không khác gì tôn giáo’.