Tiền điện tử tiếp tục sụt giảm giá trị trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các công ty thời trang vẫn đang thông báo rằng họ chấp nhận tiền điện tử trong các kênh trực tuyến và ngoại tuyến, cho thấy sự trung thành đối với tiền tệ web3.
Farfetch Platform Solutions, bộ giải pháp thương mại và công nghệ bán lẻ của công ty dành cho các thương hiệu và nhà bán lẻ sang trọng, mới đây đã thông báo sẽ cung cấp khả năng thanh toán bằng tiền điện tử cho khách hàng của mình, với việc ra mắt "Stadium Goods". Công ty có trụ sở tại London ban đầu sẽ chấp nhận thanh toán trên nền tảng và cửa hàng của mình bằng 6 loại tiền điện tử, bao gồm Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) và USD Coin (USDC).
Công ty bỏ ngỏ khả năng nhiều loại tiền điện tử sẽ được bổ sung sau đó. Để thực hiện thanh toán, người mua sắm chỉ cần quét mã QR được hiển thị trên màn hình tại thời điểm thanh toán bằng ví điện tử. Cổng thanh toán được sử dụng là TripleA.
Edward Sabbagh, Giám đốc thị trường tại Farfetch, cho biết: “Đổi mới là cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi và chúng tôi liên tục tìm cách triển khai các công nghệ mới nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm nâng cao cho khách hàng. Khách hàng ngày càng quan tâm đến các phương thức thanh toán mới và tiền mã hóa ngày càng có tầm quan trọng với những khách hàng sang trọng”.
Farfetch ban đầu sẽ chấp nhận thanh toán trên nền tảng và cửa hàng của mình bằng 6 loại tiền điện tử.
Đối với Farfetch, tiền điện tử đóng vai trò như một bước tiến mới trong việc củng cố các kế hoạch cho metaverse. Theo Giám đốc điều hành José Neves, có rất nhiều công ty bán lẻ cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán tiền điện tử trực tuyến, nhưng rất ít có giải pháp POS đảm bảo trong các cửa hàng. Do đó, việc bổ sung tiền điện tử trong các cửa hàng Farfetch cũng bao gồm phần cứng POS. Ông Neves cho biết: “Farfetch đã hợp tác với nền tảng tiền điện tử toàn cầu Lunu cho giải pháp đa kênh, bao gồm các thiết bị đầu cuối POS kiểu dáng đẹp cho các giao dịch tại cửa hàng và một tiện ích trực tuyến”.
Ngoài ra, quan hệ đối tác của Farfetch với Lunu có nghĩa là công ty không phải xử lý tiền điện tử tại bất kỳ thời điểm nào. Lunu chấp nhận tiền điện tử từ khách hàng thay mặt cho Farfetch, trao đổi nó lấy tiền tệ fiat và sau đó chuyển tiền tệ fiat đó cho Farfetch. Ông Neves cho biết: “Thông qua quan hệ đối tác, chúng tôi có thể góp phần vào việc áp dụng các khoản thanh toán bằng tiền điện tử rộng rãi trong ngành công nghiệp xa xỉ”.
Theo Charged Retail, Farfetch đã tham gia Hiệp ước Khí hậu Tiền điện tử (CCA). Đây là một sáng kiến được lấy cảm hứng từ Thỏa thuận khí hậu Paris và tập trung vào việc khử cacbon trong ngành công nghiệp tiền điện tử và blockchain. Mục tiêu của CCA là hỗ trợ lĩnh vực tiền điện tử chuyển sang không phát thải khí nhà kính vào năm 2040.
Theo trang Glossy, các thương hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Philipp Plein và Balenciaga hiện đều chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử bên cạnh các phương thức thông thường. Trên thực tế, không chỉ tiền điện tử đang lan rộng trong lĩnh vực xa xỉ mà còn cả NFT. Điều này đã được tiết lộ trong một nghiên cứu gần đây của CoinGecko, theo đó có tới 19 thương hiệu trong lĩnh vực thời trang và xa xỉ đã tung ra NFT trong giai đoạn này.
Nghiên cứu chỉ xem xét các thương hiệu “truyền thống” ở Mỹ và châu Âu, phân loại chúng theo Tiêu chuẩn Phân loại Công nghiệp Toàn cầu (GICS). Tổng cộng 52 thương hiệu như vậy đã được phát hành NFT kể từ năm 2020 và trong số này có tới 36% đến từ lĩnh vực quần áo và hàng xa xỉ. Đứng đầu về khối lượng giao dịch là Adidas, với bộ sưu tập “Adidas Originals trên Metaverse”, tạo ra khối lượng khoảng 47.000 ETH. Tiếp theo là Nike, Dolce & Gabbana và Gucci.
Với việc tiền điện tử đang “lao dốc”, liệu thời trang có đủ mạnh để bảo hiểm rủi ro cho tương lai?
Trước đó, Alo Yoga cũng đã thông báo rằng họ sẽ mở rộng thanh toán bằng tiền điện tử sang mua hàng trực tuyến cho khách hàng. Thương hiệu cũng tiến thêm một bước nữa khi trở thành công ty thời trang đầu tiên cho phép 350 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian của mình nhận tiền lương bằng tiền điện tử, mở ra một cách mới cho các cơ sở bán lẻ trả lương cho công nhân. Danny Harris, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Alo Yoga cho biết: “Chúng tôi luôn muốn đi trước đón đầu. Kích hoạt trong metaverse là bước đầu tiên đối với chúng tôi và việc kích hoạt thanh toán bằng tiền điện tử còn đưa nó đi xa hơn”.
Tuy nhiên, với việc tiền điện tử đang “lao dốc”, liệu thời trang có đủ mạnh để bảo hiểm rủi ro cho tương lai? Kể từ tháng 6/2022, giá tiền điện tử Bitcoin và nhiều loại tiền số khác đồng loạt sụt giảm, trong đó riêng Bitcoin rơi xuống mức thấp nhất trong 18 tháng qua. Giới chức nhiều nước bắt đầu có những biện pháp mạnh tay hơn để đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo, bởi các nhà đầu tư sẽ không được Nhà nước bảo vệ trước những rủi ro, tổn thất nếu xảy ra.
Bên cạnh đó, các mô hình bán hàng hiện tại không dễ phù hợp với thế giới ảo, ngay cả với những tập đoàn dồi dào tài chính nhất và tiên phong trong việc thúc đẩy. Metaverse cũng tạo ra một rủi ro tiềm ẩn cho các thương hiệu xa xỉ, đặc biệt là đối với các mô hình kinh doanh dựa vào tỷ suất lợi nhuận khổng lồ để hỗ trợ các chiến dịch tiếp thị, quảng bá xa xỉ phẩm của họ. Các nhà phân tích đánh giá sự phát triển trong tương lai của cơ sở hạ tầng ảo còn chưa chắc chắn, tùy thuộc vào việc liệu những tiến bộ công nghệ có thể cho phép thị trường hoạt động trơn tru hay không.