Nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn để thu hút người gửi tiền tiết kiệm. Đơn cử, Techcombank sau một thời gian để lãi suất tiền gửi thấp hơn nhóm NHTM có vốn Nhà nước chi phối, mới đây đã tăng thêm 0,3% lãi suất gửi tại quầy cho những người gửi kỳ hạn 36 tháng.
Một số kỳ hạn ngắn khác cũng được ngân hàng này tăng thêm từ 0,3-0,45%; và một số sản phẩm tiết kiệm online khác được cộng thêm lãi suất 0,3%. Ngoài ra, để mở rộng khách hàng mới Techcombank đang có chính sách tặng thêm 0,5% lãi suất đối với khách hàng gửi tiền lần đầu tiên.
KienlongBank cũng vừa điều chỉnh một loạt mức lãi suất các kỳ hạn ngắn đối với cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1% - 0,3% đối với các kỳ hạn tiền gửi 1-7 tháng dành cho khách hàng cá nhân và tăng từ 0,1% - 0,4%/năm với các kỳ hạn 1-9 tháng dành cho khách hàng doanh nghiệp. Sau đợt điều chỉnh này lãi suất cao nhất của KienlongBank ở mức 6,75%/năm. Đối với huy động trực tuyến, KienlongBank ưu đãi tăng thêm từ 0,2% - 0,3%/năm so với mức huy động tại quầy.
VPBank cũng tăng thêm 0,3% lãi suất đối với các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng - đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này lên 6,4%/năm. Trong trường hợp người gửi tiền trên 300 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được tăng thêm từ 0,3-0,5% lãi suất đối với gửi tại quầy.
Hiện nay trên thị trường cũng có một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 7%, nhưng thường đi kèm điều kiện gửi tiền số lượng lớn hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, VPBank hiện nay lên đến 6,9%/năm, SCB lãi suất 7,5%/năm…
Trong khi đó nhóm NHTM nhà nước vẫn duy trì tiền gửi cá nhân kỳ hạn 12 tháng ở mức từ 5,5-5,6%/năm, như Vietcombank lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 5,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, các kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất ở mức thấp hơn 5,3%/năm.
Agribank áp dụng lãi suất kỳ hạn từ 12-24 tháng một mức 5,5%/năm. VietinBank áp dụng các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng một mức lãi suất 5,6%/năm. Các NHTM nhà nước đều đang áp dụng lãi suất kỳ hạn từ 6-12 tháng ở mức khoảng 4%/năm…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động tiết kiệm một phần cũng bởi áp lực lạm phát, trong khi lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng trước đây ở mức khá thấp.
Quả vậy theo Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. “Áp lực lạm phát cộng thêm sức hút từ các kênh đầu tư khác buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nếu muốn cạnh tranh thu hút tiền gửi”, một chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, không ít ngân hàng nâng lãi suất kỳ hạn dài hạn để hút nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Ngoài ra thị trường chứng khoán và bất động sản đang giảm nhiệt khá mạnh trong vòng hai tháng trở lại đây. Bởi vậy nhiều ngân hàng cũng tranh thủ cơ hội này để hút vốn.
Thừa nhận thực tế này, tổng giám đốc một NHTMCP tại TP.HCM cho biết, lãi suất tiền gửi tăng nhẹ ở một số kỳ hạn nhằm thu hút khách hàng cá nhân gửi tiền khi các kênh đầu tư khác đang trong giai đoạn khó khăn. Thực tế, lãi suất tiết kiệm tăng nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn có thanh khoản dồi dào.
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết tính đến cuối tháng 5/2022, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các TCTD trên địa bàn tăng 4,88% so với cuối năm 2021. Trong khi đó tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 2,41% so với cuối năm 2021.
Tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng cao hơn so với các hình thức tiền gửi khác là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của người dân đối với kênh tiền gửi ngân hàng. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, do tiền gửi tiết kiệm dân cư có tính ổn định cao nên đây sẽ là nguồn vốn quan trọng đối với các TCTD trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng.