Trong giai đoạn đầu năm 2022 đến nay, các biến số ngày càng xuất hiện một cách ngẫu nhiên, đặc biệt biến số liên quan đến căng thẳng địa chính trị, đòi hỏi chính sách tiền tệ Việt Nam phải rất linh hoạt. Điều này được giới chuyên môn nhận định sẽ gây bất lợi cho thị trường chứng khoán. Với bối cảnh như vậy việc chọn mua ngành nào là một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tiền tệ làm khó chứng khoán
Chia sẻ tại hội thảo “Triển vọng thị trường tài chính: Cơ hội và Thách thức” do Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors - VWA) tổ chức, ông Trần Lê Minh, Giám đốc Dragon Capital Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế năm 2022 vẫn sẽ ổn định và nằm trong mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, thị trường đang phải đối diện với một rủi ro, đó là việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
Theo ông Minh, tiền sẽ đắt lên, không còn dồi dào, lãi suất có thể tăng rất mạnh vào cuối năm nhưng để nhà đầu tư có thể cảm nhận được thì sẽ không rõ ràng.
Thực tế, việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã đang diễn ra. Cụ thể, từ năm 2012 đến năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 8 lần điều chỉnh lãi suất thị trường mở (OMO) từ 6%/năm xuống còn 2,5%/năm. Và đến nay, lãi suất này đã có dấu hiệu tăng trở lại với hành động cho đấu thầu lãi suất. Và khi lãi suất đó tăng, chi phí vốn của các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng tương ứng.
Trái lại, chỉ khi nào giá cả hàng hoá xác nhận một xu hướng giảm rõ rệt, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức phát lệnh nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại.
“Trường hợp Chính phủ trích lập quỹ xăng dầu trở lại, tăng lại thuế môi trường thì đấy là dấu hiệu mà mọi người yên tâm rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chủ động nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Minh nêu quan điểm.
Đồng thời, ông Minh cho hay, lịch của Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào, việc thắt chặt chính sách tiền tệ luôn đi kèm với yếu tố không tích cực cho chị trường chứng khoán.
Còn TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, người sáng lập QMV Group chia sẻ, giá trị cổ phiếu dựa rất nhiều vào tâm lý nhà đầu tư cũng như dòng tiền trên thị trường.
Trong nửa cuối năm 2020 đến hết năm 2021, có nhiều trường hợp doanh nghiệp lách tín dụng thông qua con đường trái phiếu. Đến khi những phi vụ ngắn hạn thực hiện xong thì tiền cũng không còn ở thị trường chứng khoán do doanh nghiệp bắt đầu tất toán trái phiếu trước hạn.
“Tiền không còn khiến thanh khoản cũng như chỉ số chứng khoán chính thức bước vào giai đoạn điều chỉnh. Tiến tới, việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ cũng là rủi ro mà các nhà đầu tư cần quan tâm”, ông Hào nói.
Đầu tư mã ngành nào
Cũng theo ông Hào, thắt chặt chính sách tiền tệ mới chỉ là rủi ro và hiện ở mức độ tiềm tàng như hút tiền ngắn hạn, không nới room tín dụng chứ chưa thể kết luận được mức độ chính xác.
Lần gần nhất, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 170.000 tỷ đồng trên kênh tín phiếu. Ngay sau đó, thanh khoản hệ thống gặp căng thẳng, nhà điều hành cũng buộc phải bơm ròng trở lại qua kênh OMO và để tín phiếu đáo hạn.
Hiện tại, thị trường chứng khoán phản ứng rất nhạy với diễn biến bơm hút trên. Khi tiền bị hút, chứng khoán giảm. Trái lại, tiền được bơm ròng, chứng khoán tăng.
Do đó, với bối cảnh như hiện nay, hành động của nhà đầu tư đa phần sẽ là ra vào nhanh và ngắn. Và đặc biệt, theo ông Hào, mỗi nhịp sóng lên xuống hiện nay đều có sự góp mặt của nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
“Nếu nhìn theo góc độ dòng tiền, nhà đầu tư chỉ cần tập trung vào 3 nhóm ngành trên là đã có cơ hội. Nhưng tôi lưu ý, chỉ là hướng ngắn hạn, theo T+ mà thôi”, ông Hào nhấn mạnh.
Còn theo ông Minh,đối với nhà đầu tư mới, giai đoạn hiện tạ là thời điểm điều chỉnh kỳ vọng. Lịch sử cho thấy, 10 năm vừa rồi lợi nhuận bình quân thể hiện qua chỉ số VNIndex khoảng 12-14%/năm. Nên trong 2 năm tới, kỳ vọng đặt ra 14%/năm là hợp lý.
“Nếu cứ nghĩ trong đầu là sẽ mua một nào đó rồi x2 x5 lần thì phải điều chỉnh ngay. Chính suy nghĩ này sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ trong thời gian tới. Còn muốn chắc cú, mua mã nào tốt và giữ trong 5 năm chắc chắn có lãi. Mã tốt là việc doanh thu tăng trưởng đều đặn, liên tục trong thời gian dài”, ông Minh chia sẻ.
Về ngắn hạn, ông Minh cho rằng, ngành điện sẽ nhận được thuận lợi rất nhiều tư hoạt động đầu tư công. “Bởi lẽ, điều hành kinh tế dựa trên 2 công cụ gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Bao lâu nay chỉ có chính sách tiền tệ thực hiện, còn chính sách tài khoá không dùng mấy. Giờ muốn kinh tế di chuyển nhanh thì phải dùng cả 2, điều này buộc chính sách tài khoá hoạt động nhiều hơn. Nếu đúng như thế, ngành điện chắc chắn hưởng lợi”, ông Minh nêu quan điểm.