Loạt chỉ số chứng khoán Mỹ phá đáy phiên cuối tuần qua đã khiến tâm lý thận trọng dâng cao. Nhà đầu tư thực hiện chiến lược phòng thủ tiền mặt, khiến lực cầu sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó loạt cổ phiếu phá đáy thúc đẩy nhu cầu cắt lỗ tăng cao. VN-Index giảm 26,98 điểm sáng nay với số mã giảm giá gấp 7 lần số tăng.
Điều đáng ngại không phải là mức giảm mạnh nói trên, mà là xu hướng giảm gần như không có bất kỳ nỗ lực hãm đà nào. VN-Index lao dốc toàn bộ thời gian của phiên sáng nay và chốt phiên ở mức thấp nhất. Điều duy nhất không thay đổi nhiều là độ rộng, với số mã giảm giá đã gấp 6-7 lần số tăng ngay từ những phút đầu tiên.
VN-Index kết phiên sáng với 8 mã giảm sàn, 182 mã giảm từ 2% trở lên và khoảng 55 mã khác giảm trong biên độ 1%-2%. Mặc dù chưa đến mức sàn cả loạt, nhưng việc cổ phiếu tiếp tục phản ứng rất xấu sau diễn biến bắt đáy cuối tuần trước cho thấy những biến động phục hồi là quá ngắn hạn và kém tin cậy.
Cuối tuần trước thị trường có lực bắt đáy và VN-Index từ chỗ giảm 2,36% thành tăng 0,54% so với tham chiếu. Không ít quan điểm nhận định đánh giá lạc quan về diễn biến này, dù đó là phiên chốt NAV quý 3 và thường có lực cầu tốt. Thị trường sáng nay quay lại tình trạng bán tháo ngay lập tức, cho thấy nhu cầu bán ra vẫn hoàn toàn lấn át và các đợt bắt đáy không có lực cầu tiếp nối.
VN30-Index kết phiên sáng giảm 2,75% với duy nhất PLX tăng 0,91% và SAB tham chiếu, còn lại là giảm. 15 mã trong số giảm đang bốc hơi từ 3% giá trị trở lên, 9 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. Nhóm trụ giảm đặc biệt mạnh có MSN bốc hơi 6,26%, MWG giảm 4,53%, BID giảm 4,13%, VHM giảm 4,04%, VPB giảm 3,33%, HPG giảm 3,3%, CTG giảm 3,23%...
Đà giảm xuất hiện trên tất cả các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm tài chính giảm 2,35%, nhóm bất động sản giảm 2,64%, nhóm năng lượng giảm 2,37%... Về vốn hóa, Midcap lao dốc 2,17%, Smallcap giảm 2%.
Các cổ phiếu đi ngược chiều thị trường phiên sáng chủ yếu là thanh khoản rất kém. Tuy vậy cũng có vài mã khác biệt, như HAH tăng 2,05% giao dịch 63,5 tỷ đồng; GMD tăng 1,88%, thanh khoản 39,5 tỷ; ASM tăng 1,35% thanh khoản 30 tỷ.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay chỉ đạt 4.043 tỷ đồng, giảm 23% so với sáng phiên trước. HoSE giảm giao dịch 21%, còn 3.727 tỷ đồng. Toàn thị trường chỉ có 7 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên và tất cả đều giảm, trong đó 6 mã giảm trên 2%.
Với mức thanh khoản quá thấp, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài lại bất ngờ nổi trội. Tổng giá trị bán ra tại HOSE sáng nay đạt 556,7 tỷ đồng, chiếm tới gần 14% tổng giao dịch sàn. Phía mua chỉ là 281,4 tỷ đồng, tương đương bán ròng 275,3 tỷ. Mức bán này thực ra không có gì là nhiều, nhưng vì tổng thể thanh khoản lại quá kém, thành ra nổi bật. HPG bị xả lớn nhất với -75,2 tỷ, với lượng bán chiếm tới 33% thanh khoản. DGC -25,9 tỷ, STB -20,8 tỷ. Nhóm CTG, VHM, MSN, SSI bị bán ròng quanh 10 tỷ đồng. Phía mua lớn nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND chỉ với 6,1 tỷ ròng.
Thị trường hiện rơi vào trạng thái nguy hiểm khi sức nặng từ nhiên từ khối lượng cổ phiếu lỗ lần lượt về tài khoản đang tăng lên. Nhà đầu tư chưa muốn mua vào vì không biết thị trường sẽ tạo đáy tại ngưỡng nào. Mặt khác các đợt bắt đáy đang gây thiệt hại quá lớn trong bối cảnh dòng tiền chung ngày càng yếu, làm giảm sức mua.