Cuộc đàm phán tiền lương năm nay ở Nhật Bản có thể đi đến kết quả là mức tăng lương mạnh hơn năm ngoái, qua đó thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm ngay trong mùa xuân năm này. Đây là nhận định được một cựu quan chức phụ trách vấn đề chính sách tiền tệ của BOJ đưa ra trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg.
“Nhiều khả năng kết quả của cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân sẽ cao hơn năm ngoái, đạt mức tăng 4%”, ông Eiji Maeda phát biểu, cho rằng cơ chế tăng giá mà BOJ muốn xác nhận đã bắt đầu hiện hữu. “Một vòng xoáy tăng lương và tăng lạm phát đã được hình thành”.
Thị trường tài chính đang theo dõi sát sao kết quả cuộc đàm phán tăng lương hàng năm ở Nhật Bản, bởi cuộc đàm phán này có thể giữ vai trò quyết định trong việc thúc đẩy BOJ chấm dứt lãi suất âm cuối cùng còn được áp dụng trên thế giới. Do cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, các nhà quan sát cho rằng BOJ sẽ đợi cho tới tháng 4 mới tiến hành đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007.
Ông Maeda dự báo cuộc đàm phán tiền lương năm nay sẽ dẫn tới mức tăng lương cao hơn mức tăng 3,58% đạt được vào năm ngoái. Cơ sở của kỳ vọng này là lợi nhuận doanh nghiệp Nhật đạt mức cao kỷ lục và thị trường lao động ở nước này thắt chặt hơn.
Nếu tiền lương ở Nhật tăng 4% đúng như ông Maeda dự báo, đây sẽ là mức tăng lương hàng năm mạnh nhất ở đất nước mặt trời mọc kể từ năm 1992. Kết quả ban đầu của cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân, thường đường gọi là Rengo, sẽ được công bố vào ngày 15/3, ngay trước một cuộc họp chính sách tiền tệ của BOJ.
Ông Maeda, người hiện giữ cương vị Chủ tịch Viện nghiên cứu Chibagin, đã rời BOJ vào năm 2020 sau khi giữ một vai trò chủ chốt trong hoạch định phản ứng chính sách của BOJ trong thời gian đầu của đại dịch Covid-19.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda bảo vệ việc BOJ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đã thắt chặt trong khoảng 2 năm qua để chống lạm phát. Ông muốn đợi thêm một thời gian để xác định liệu lạm phát ở Nhật Bản đã đạt tới độ bền vững cần thiết chưa. BOJ đã tuyên bố sẽ chấm dứt lãi suất âm khi đủ chắc chắn rằng lạm phát đạt mục tiêu 2% một cách bền vững.
Ông Maeda nói ông hiểu sự thận trọng này của BOJ nhưng ông có một quan điểm khác. Từ góc nhìn của ông, lãi suất âm nên được chấm dứt một khi không còn mối lo nào về sự trở lại của tình trạng giá cả tụt dốc, thay vì đợi cho tới khi chắc chắn hoàn toàn rằng BOJ sẽ đạt mục tiêu giá cả.
“Việc đưa ra lãi suất âm không giống như cắt giảm lãi suất trên ngưỡng 0%. Nếu như không còn rủi ro nền kinh tế quay trở lại tình trạng giảm phát, thì nên từ bỏ chính sách bất thường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Maeda từ chối đưa ra một mốc thời gian tháng cụ thể cho việc BOJ có thể bắt đầu tăng lãi suất, thay vào đó dự báo rằng động thái như vậy có thể diễn ra trong mùa xuân năm nay. Điều đó có nghĩa là việc BOJ có thể diễn ra trong tháng 4 hoặc thậm chí sớm hơn.
Ông nhận định nếu tăng lãi suất, BOJ có thể sẽ triển khai các biện pháp để tránh lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng vọt. HIện chưa rõ liệu BOJ có gọi việc áp dụng các biện pháp đó là kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), hay sẽ từ bỏ hoàn toàn chính sách YCC và chỉ cam kết tiếp tục mua vào trái phiếu.
Ông Maeda cho rằng về lý thuyết, 2% có thể là mức lãi suất đỉnh tự nhiên của Nhật Bản, nhưng khó có thể khẳng định đó có phải là mục tiêu của BOJ hay không. Suốt từ năm 1995 đến nay, lãi suất ngắn hạn của BOJ chưa khi nào vượt quá 0,5%.
“Không thể phân tích được điều gì sẽ xảy ra khi lãi suất vượt 0,5%, vì chưa ai có kinh nghiệm về điều đó ở Nhật Bản cả. Trong kỷ nguyên hậu lãi suất âm, BOJ sẽ xác định tốc độ và mức độ của lãi suất chính sách dựa trên tình hình thực tế”, ông nói.
Việc BOJ nâng lãi suất khỏi trạng thái âm cũng có thể đưa tỷ giá đồng yên Nhật Bản tăng mạnh sau khi sụt giảm trong năm 2023. Khả năng này càng được khuếch đại khi các ngân hàng trung ương lớn khác, gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay.
Trao đổi với Bloomberg hồi tháng 12, ông Yujiro Goto, trưởng chiến lược ngoại hối Nhật Bản của công ty Nomura Securities, nhận định: “Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào khoảng tháng 6, hỗ trợ xu hướng tăng giá của yên. Nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, khả năng tỷ giá USD/yên giảm về vùng 130-135 yên đổi 1 USD sẽ tăng lên, còn nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, tỷ giá USD/yên sẽ giảm về vùng khoảng 140 yên đổi 1 USD”.
Gần đây, tỷ giá đồng yên dao động ở vùng 145-146 yên đổi 1 USD.