Chỉ số đóng cửa ở mức điểm số thấp nhất ngày và hàng trăm cổ phiếu cũng tương tự. Đó là biểu hiện rõ nhất của áp lực bán tháo. Độ rộng của VN-Index chốt phiên sáng còn khá tốt với 191 mã tăng/227 mã giảm nhưng kết phiên chỉ còn 137 mã tăng/348 mã giảm. Phiên sáng mới có 84 mã giảm hơn 1%, cuối ngày là 162 mã.
Thanh khoản chiều nay cũng tăng vọt 114% so với buổi sáng, đạt 12.663 tỷ đồng. Đây chưa phải là mức giao dịch quá cao, nhưng rõ ràng là sự thay đổi từ phía nhà đầu tư cầm cổ, vì mức độ ép giá là rất lớn, bảng điện giảm sâu hơn hẳn. Biên độ giảm giá rộng đi cùng với thanh khoản thấp cho thấy dòng tiền đang rút lui một cách rõ ràng.
Động lực điều tiết chỉ số đi xuống vẫn là nhóm blue-chips. VN30-Index giảm 1,78% với duy nhất 4 mã tăng và tới 26 mã giảm. MSN tăng 1,06%, POW tăng 0,46%, VNM tăng 0,31%, SSB tăng 0,23%. Không mã nào trong số tăng này lọt vào Top 10 vốn hóa thị trường, VNM “to” nhất cũng đứng thứ 11 còn MSN thứ 15.
Ngược lại phía giảm 9/10 mã lớn nhất giảm cực sâu: BID giảm 4,37%, VHM giảm 2,11%, CTG giảm 3,96%, GAS giảm 1,18%, VIC giảm 3,02%, HPG giảm 1,23%, TCB giảm 1,43%, VPB giảm 3,2%, FPT giảm 1,06%.
Sức ép cực lớn cũng thể hiện ở tỷ trọng phân bổ dòng tiền: Tới trên 77% tổng giá trị khớp ở sàn HoSE hôm nay tập trung ở nhóm cổ phiếu giảm giá quá 1%. Đặc biệt nhóm giảm từ 2% trở lên cũng chiếm 60% thanh khoản. Các mã bị bán tháo dữ dội nhất là DIG giảm 4,32% thanh khoản 785 tỷ đồng; CTG giảm 3,96% với 634,5 tỷ; VIX giảm 4,76% với 563,5 tỷ; MBB giảm 3,35% với 562,2 tỷ; NVL giảm 4,44% với 480,4 tỷ; SHB giảm 3,48% với 366 tỷ; VCI giảm 5,65% với 322,6 tỷ; GEX giảm 4,08% với 309,8 tỷ; DXG giảm 5,38% với 304,4 tỷ… Sàn HoSE có 47 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 42 mã đỏ trong đó 32 mã giảm trên 2%.
Điều khá bất ngờ là phía tăng giá hôm nay có không ít cổ phiếu được đầu cơ cực nóng, thậm chí 11 mã kịch trần. Dĩ nhiên hầu hết số này thanh khoản quá nhỏ để đảm bảo độ tin cậy về biên độ tăng đó, nhưng cũng vài mã khá mạnh như PSH giao dịch 82,9 tỷ; QCG giao dịch 23,2 tỷ; SMC giao dịch 34,1 tỷ. Những cổ phiếu đi ngược dòng khác thu hút dòng tiền khá ổn nhưng biên độ hạn chế là LPB tăng 3,34% thanh khoản 302,4 tỷ; GMD tăng 2,68% với 278,5 tỷ; SZC tăng 1,8% với 95,7 tỷ; EVF tăng 1,12% với 79,6 tỷ; MSN tăng 1,06 với 485,5 tỷ.
Dù giao dịch chiều nay có tăng nhưng tổng thể cả ngày, thanh khoản thị trường rơi xuống mức thấp nhất 4 phiên với 18.586 tỷ đồng hai sàn chưa kể thỏa thuận. Nếu mức thanh khoản này đi cùng khả năng giữ giá thì có thể xem như áp lực bán đã nhẹ đi đáng kể. Tuy nhiên biên độ giảm giá cổ phiếu lại quá rộng, tức là người mua đã từ chối nâng đỡ mà chỉ chấp nhận giá rất thấp. Biên độ giảm này cũng đang gây sức ép lớn lên các nhà đầu tư hăng hái bắt đáy hôm qua vì rủi ro thua lỗ khi hàng về là rất cao.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay vẫn duy trì sức ép lớn khi bán ra tiếp 1.513,2 tỷ đồng, thậm chí tăng 35% so với phiên sáng. Mức ròng khoảng -464 tỷ đồng. Buổi sáng khối này đã rút đi 523,4 tỷ đồng. Như vậy tính chung cả ngày quy mô bán ròng tới 987 tỷ đồng. Như vậy từ đầu tuần tới giờ HoSE đã lại bị rút đi tiếp hơn 2.000 tỷ đồng nữa.