Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên 29/6 đã giảm về còn 0,39%/năm, thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2022. So với mức trên dưới 4% ghi nhận hồi đầu tháng, chi phí vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng hiện chỉ bằng 1/10.
Với diễn biến trên, lãi suất qua đêm liên ngân hàng hiện đang dần tiệm cận vùng đáy lịch sử (0,1 – 0,2%/năm) duy trì trong những tháng cuối năm 2020.
Lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tiệm cận vùng đáy lịch sử hồi cuối năm 2020. (Nguồn: Wichart)
Cùng với kỳ hạn qua đêm, hai kỳ hạn chủ chốt khác là 1 tuần và 2 tuần cũng giảm về còn lần lượt 1,2% và 1,43% - đều là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Dù lãi suất giảm sâu, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao 230.000 – 240.000 tỷ/phiên cho thấy sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Những diễn biến đáng chú ý trên thị liên ngân hàng xuất hiện sau khi NHNN có 2 đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng. Với 4 lần giảm kể từ giữa tháng 3, các loại lãi suất chính sách của NHNN đã giảm tổng cộng 1,5 – 2 điểm % và đã đảo ngược phần lớn mức tăng trong 2 lần điều chỉnh năm 2022 (tăng tổng cộng 2 điểm % mỗi loại lãi suất).
Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm về mức tương đương giai đoạn từ tháng 10/2020 – tháng 9/2022. Trong khi lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn chỉ còn cao hơn 0,5 điểm % so với giai đoạn này.
Định hướng duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào cũng được NHNN thực hiện một cách nhất quán khi cơ quan này vẫn chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn (OMO) ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không có bất kỳ thành viên nào cần đến gói hỗ trợ thanh khoản của NHNN trong suốt 4 tuần gần đây, dù lãi suất OMO đã giảm về còn 4%/năm.
“Hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các NHTM Nhà nước, các NHTM cổ phần lớn, nhỏ”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tại buổi họp báo ngày 21/6.
Không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã ngấm sâu sang thị trường 1 khi lãi suất huy động liên tục giảm rất mạnh trong những tháng gần đây.
Đầu tháng 7, lãi suất huy động cao nhất của cả 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank là 6,3%/năm, chỉ còn cao hơn khoảng 0,7 điểm % so với mức thấp kỷ lục ghi nhận vào hồi tháng 7, tháng 8/2022 - giai đoạn trước khi cuộc đua lãi suất tăng huy động xảy ra.
Bên nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng cũng đã giảm 2 – 2,5 điểm % so với giai đoạn cao điểm hồi cuối tháng 1 và hiện chỉ nhỉnh hơn khoảng 0,8 – 1 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh định hướng hỗ trợ của NHNN, sự dư thừa thanh khoản của các nhà băng cũng đến từ tình trạng bí đầu ra khi cầu tín dụng rất thấp. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 15/6 mới chỉ đạt 3,36% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước .
Với định hướng năm 2023 là tín dụng tăng 14-15% thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của NHNN. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng hiện mới chỉ đạt 8,94% - mức tăng trưởng YoY thấp nhất trong 10 năm qua.
Trong bối cảnh trên, các ngân hàng thương mại cũng đã đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, lãi suất cho vay VND bình quân đối với các khoản vay mới ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022.
Mới đây, loạt nhà băng như Agribank, Vietcombank, BIDV, MSB, LPBank,… cũng công bố thêm chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, hoặc/và triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi. Đồng thời, các nhà băng phải tuân thủ cam kết giảm lãi suất cho vay. Trong đó, các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với những diễn biến trên, giới phân tích các loại lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm 2023.