Dù mới thành lập vào đầu tháng 3 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 14/4, hãng taxi Xanh SM (Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh - GSM) liên tục thông báo mở rộng quy mô lẫn dịch vụ suốt thời gian qua.
Hiện Xanh SM đang hiện diện tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm Hà Nội, TP.HCM, Huế, Nha Trang và Đà Nẵng. Ngoài thị trường nội địa, hãng dự định tiến ra hai thị trường quốc tế trong tương lai.
Chênh lệch lực lượng với đối thủ
Mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh - CEO GSM - tuyên bố chuẩn bị đưa hai dịch vụ mới gồm xe ôm công nghệ và chở hàng đi vào vận hành bên cạnh loại hình taxi. Vị này cũng ước tính số lượng nhân sự của hãng có thể chạm đến con số 20.000 trong năm nay.
Với việc triển khai hai dịch vụ mới, Xanh SM sẽ chính thức bước chân vào thị trường gọi xe công nghệ và cạnh tranh trực tiếp với nhiều ứng dụng hàng đầu hiện nay như Grab, Gojek, be hay Ahamove.
Trong báo cáo gần nhất của Google Temasek Bain & Company, quy mô lĩnh vực gọi xe công nghệ (gồm vận tải và giao đồ ăn) tại Việt Nam ước đạt 3 tỷ USD vào năm 2022 và có thể lên tới 5 tỷ USD vào năm 2025. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022-2025 đạt khoảng 21%.
Do được thành lập cách đây không lâu, đội xe của Xanh SM vẫn còn khiêm tốn so với các đối thủ nếu xét trên tương quan lực lượng.
Theo tuyên bố, Grab và Gojek cùng sở hữu khoảng 200.000 đối tác (gồm cả 2 bánh và 4 bánh) còn ứng dụng be của Be Group sở hữu khoảng 300.0000 tài xế. Ứng dụng chuyên giao hàng Ahamove vào năm 2022 cũng thông báo ghi nhận 100.000 tài xế đăng ký, bình quân mỗi ngày có khoảng 20.000 đối tác hoạt động trên hệ thống.
Như vậy chỉ riêng lĩnh vực xe ôm công nghệ, các ông lớn đang có khoảng 600.000 tài xế. Số liệu từ Statista ghi nhận vào năm 2020 thậm chí cho thấy Grab, Gojek và be đang nắm tới 99% thị phần.
Trong khi đó ở lĩnh vực taxi truyền thống có tới 1.000 doanh nghiệp taxi với hơn 67.000 đầu xe trên cả nước. Tại Hà Nội, thị trường đầu tiên và đồng thời là nơi đặt trụ sở của Xanh SM, hãng phải cạnh tranh với khoảng 10.000 xe taxi theo thống kê của Hiệp hội Taxi Hà Nội tính đến quý II/2022. Trước dịch, con số này từng lên tới gần 20.000 xe.
Xanh SM có nhiều lựa chọn
Từ chỉ kinh doanh taxi, Xanh SM có thể trở thành hãng taxi kiêm gọi xe công nghệ thuần điện đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, các đối thủ trong ngành cũng đang theo đuổi kế hoạch chuyển đổi dần sang sử dụng xe điện và phần nào bắt kịp sự độc đáo của Xanh SM.
Ngay sau sự xuất hiện của hãng taxi điện, một số ứng dụng gọi xe đã bắt tay với các nhà sản xuất xe điện để triển khai thí điểm, điển hình như sự kiện hợp tác giữa Gojek và Dat Bike hay giữa Grab và Selex Motors.
Trên thực tế, chủ của thương hiệu Xanh SM là GSM vẫn có thể khai thác nguồn thu từ xu hướng này. Bên cạnh taxi, một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của GSM là cho thuê ôtô, xe máy điện VinFast.
14 là số đối tác, các hãng đã chuyển dần sang sử dụng phương tiện xanh thay cho xe hiện tại từ khi Xanh SM ra đời
Ông Nguyễn Văn Thanh - CEO GSM
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, vị CEO từng khẳng định không xem bất kỳ hãng taxi truyền thống hay ứng dụng gọi xe công nghệ là đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó, sứ mệnh của GSM là xanh hóa giao thông và sẵn lòng hợp tác với các hãng, đơn vị vận tải muốn chuyển đổi sang xe điện.
GSM quyết định ký hàng loạt hợp đồng cung cấp phương tiện cho các hãng taxi, hãng gọi xe công nghệ trong nước. Điển hình vào cuối tháng 3, GSM thông báo đầu tư trực tiếp vào Be Group, bao gồm kế hoạch hỗ trợ tài xế be chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện thông qua các chính sách ưu đãi độc quyền phối hợp với ngân hàng VPBank.
Ngoài ra, Be Group cũng hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác GSM. Khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group nay có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM là beVinFast bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có. Không loại trừ khả năng trong tương lai, hai dịch vụ mới của GSM là xe ôm công nghệ và giao hàng cũng được tích hợp trên ứng dụng be.
Tuy nhiên ngoài việc tăng độ phủ và sự hiện diện, Xanh SM sẽ còn đối mặt nhiều thách thức từ các đối thủ để có chỗ đứng trong thị trường xe công nghệ.
Từ lâu, câu chuyện cạnh tranh thị phần và thu hút người dùng trong lĩnh vực này luôn gắn liền với khả năng “đốt tiền”. Ngay cả khi các công ty công nghệ đứng sau ứng dụng gọi xe bắt đầu quan tâm nhiều đến tiết kiệm chi phí và cải thiện lợi nhuận hơn, nguồn ngân sách dành cho khuyến mãi, ưu đãi tới người dùng lẫn đối tác vẫn rất lớn. Mặt khác, Xanh SM tỏ ra tương đối hờ hững với chiến lược vốn rất phổ biến này.