Hơn 2 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa tiếp cận được gói vay. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình – Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam về vấn đề này.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, họ vẫn chưa tiếp cận được gói vay hỗ trợ lãi suất 2% trong gói 40.000 tỷ đồng được quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
Theo tôi, việc chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là do cả phía doanh nghiệp và ngân hàng. Về phía doanh nghiệp, điều kiện của khoản vay hỗ trợ lãi suất 2% đưa ra cũng khá ngặt nghèo, ví dụ yêu cầu doanh nghiệp không có nợ xấu, có doanh thu, có tài sản thế chấp, có phương án kinh doanh cụ thể… Trong khi đó, 2 năm vừa qua do tác động của dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng được những điều kiện này.
Bên cạnh đó, Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước mới được hướng dẫn vào ngày 20/5, các ngân hàng thương mại mới tiếp cận và mới đăng ký để tham gia triển khai chương trình nên chưa thể triển khai ngay được trong một thời gian ngán. Nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện cũng hạn chế, nhiều ngân hàng đến giới hạn tang trưởng tín dụng nên không thể giải ngân ngay, cùng với đó quy trình giải ngân gói vay này cũng không đơn giản.
Chưa kể, động lực để giải ngân gói này với các ngân hàng thương mại trong bối cảnh hiện nay không lớn, nên là ngay cả khi các ngân hàng thương mại đã nỗ lực tham gia, nhưng động lực không nhiều, vì họ sẽ phải làm rất nhiều việc, như thẩm định và thực hiện các quy trình để được cấp bù lãi suất, cho nên để giải ngân gói này hiện ngay cả về phía ngân hàng hay doanh nghiệp cũng đều khó khăn.
Nói như vậy có nghĩa là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đưa ra không khả thi, thưa ông?
Theo tôi, bản thân chương trình này từ khi thiết kế đã không khả thi, mặc dù nhìn ở góc độ nào đó nó đã mang một ý nghĩa rất nhân văn, rất tốt cho cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó khăn sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, nó lại không phù hợp với nguyên lý vận hành của thị trường, của các ngân hàng thương mại. Đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải cẩn trọng hơn khi tiến hành giải ngân gói vay.
Bởi với gói vay này, thì phía ngân hang thương mại cho vay theo hình thức cấp bù lãi suất chứ không phải bảo lãnh, nên ngân hàng chịu hoàn toàn rủi ro về mặt tín dụng, nên họ phải lựa chọn khách hàng tốt để được cho vay. Mà khách hàng tốt thì lại không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện để vay, nhất là những doanh nghiệp thời gian qua không hoạt động, không có doanh thu, không có phương án kinh doanh và tài sản thế chấp thì rất khó để tiếp cận gói vay.
Chúng ta cũng cần hiểu cho phía ngân hàng, bởi câu chuyện cấp bù lãi suất cách đây 10 năm đã gặp vấn đề, một số ngân hàng hiện nay vẫn đang phải giải quyết vấn đề còn lại của các gói vay trước, nên họ phải thận trọng hơn trong quá trình giải ngân cũng là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh đó, chúng ta có nên nới các điều kiện cho vay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn không, thưa ông?
Nới điều kiện vay, thì rủi ro đẩy về phía ngân hàng. Nên về nguyên tắc, theo tôi không nên hạ chuẩn tín dụng, bởi vì phía ngân hàng vẫn cần phải đảm bảo an toàn về mặt tín dụng, tránh nợ xấu, cho nên yêu cầu chuẩn về mặt tín dụng thì vẫn đảm bảo, chứ không thể hạ được. Không những thế, nếu hạ chuẩn tín dụng để đẩy gói vay này ra và cho vay với những đối tượng doanh nghiệp không đảm bảo khả năng trả nợ, về mặt uy tín tín dụng, không sử dụng vốn tốt hoặc không có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả… thì ngân hàng sau này không đảm bảo được rủi ro, nên doanh nghiệp không tốt, thì theo tôi không nên được cho vay.
Việc không hạ chuẩn cho vay có phải là cách để chúng ta chọn những doanh nghiệp tốt, cần được hỗ trợ để có cơ hội phát triển thay vì hỗ trợ tràn lan không, thưa ông?
Đúng vậy, chúng ta không thể hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp không có khả năng phát triển, mà cần phải chọn những doanh nghiệp tốt, có khả năng sử dụng vốn tốt.
Để làm được điều đó, chúng ta phải xác định mục tiêu của gói vay không phải cho vay được vốn càng nhiều càng tốt, mà phải cho vay hiệu quả, tức là đưa vốn đến đúng những doanh nghiệp sử dụng vốn tốt để tạo cơ hội cho họ phát triển, phục hồi.
Đây cũng là cách chúng ta đang bảo vệ hệ thống của ngân hàng và bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Bởi hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp đặc biệt, họ hoạt động an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế sẽ an toàn, hiệu quả. Còn nếu hạ chuẩn vay để cho vay tràn lan, nợ xấu tăng thì cũng rất nguy hiểm đối với hệ thống ngân hàng, và đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác hoạt động lành mạnh. Do đó, một số nguyên tắc trong hoạt động thương mại của ngân hàng cũng cần phải được duy trì đảm bảo.
Bên cạnh ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, về góc độ vĩ mô cần tính toán đến. Nên thà rằng giải ngân ít nhưng có chất lượng thì vẫn tốt hơn là nhiều mà kém chất lượng, bởi nếu chất lượng gói vay không tốt sẽ xảy ra 2 vấn đề. Thứ nhất, số lượng tiền mà tiền giá rẻ ra thị trường khá lớn những tháng cuối năm, áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát; Thứ hai, cấp bù lãi suất bản chất vẫn là trợ giá thì chỉ nên cho một số đối tượng thôi, chứ không phải tất cả. Vì nếu không làm chặt sẽ tạo ra một cơ chế xin-cho, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để tiếp cận nguồn vốn này, có khi sử dụng để hoàn trả nợ cũ, hoặc cho vay lãi, đưa vốn vào các kênh đầu tư khác. Như vậy sẽ tạo ra hệ lụy lớn cho ngành ngân ang, tạo ra hệ lụy khác và áp lực về mặt cung tiền và các nguyên tắc hoạt động thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!