Thông tin tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa tổ chức cho thấy trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả, sản lượng vận chuyển/khai thác về chuyến bay và hành khách tại các cảng hàng không trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục ghi nhận tiếp tục hồi phục tốt, đặc biệt đối với thị trường quốc tế.
Thị trường khách quốc tế hồi phục rõ rệt, hàng hóa giảm sâu
Cụ thể, theo thông tin từ ACV, sản lượng hạ cất cánh đạt 364.894 lượt/chuyến, tương đương 47% kế hoạch năm 2023, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, hạ cất cánh quốc tế đạt 99.298 lượt chuyến, tương đương 46,1% kế hoạch năm, tăng 151,6% so với cùng kỳ 2022. Còn hạ cất cánh trong nước đạt 265.596 lượt chuyến, khoảng 47,3% kế hoạch năm, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022.
Về sản lượng hành khách 6 tháng đầu năm đạt khoảng 56,9 triệu khách, đạt 48,2% kế hoạch năm 2023, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, hành khách quốc tế đạt khoảng 14,5 triệu khách, tương ứng 45,3% kế hoạch năm, tăng mạnh 493,5% so với cùng kỳ năm 2022. Còn hành khách trong nước đạt gần 42,4 triệu khách, tương ứng khoảng 49,3% kế hoạch năm, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ 2022.
Một trong những nội dung sửa đổi dành được nhiều quan tâm đó là thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Đồng thời, luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Những chính sách này được kỳ vọng nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng. Đây cũng cơ hội giúp ngành du lịch xúc tiến cho mùa cao điểm khách quốc tế sắp tới vào tháng 9, tạo đòn bẩy giúp sớm chạm mốc 8 triệu lượt khách quốc tế như mục tiêu đề ra.
Cũng theo ACV, sản lượng hàng hóa, bưu kiện đạt 576.467 tấn, đạt 42,6% kế hoạch năm, giảm 20,8% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, hàng hóa bưu kiện quốc tế đạt 407.095 tấn, khoảng 41,2% kế hoạch năm, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ 2022.
Còn hàng hoá bưu kiện trong nước đạt 169.371 tấn, tương ứng 46,3% kế hoạch năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, theo đánh giá của ACV, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường hàng không có sự phục hồi tốt, nhất là đối với sản lượng hành khách quốc tế tăng 493,5% so với cùng kỳ năm 2022, sự hồi phục này là do chính sách mở cửa của các quốc gia, trong đó có hồi phục của thị trường Đông Bắc Á.
Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn khai thác, Tổng công ty chỉ đạo các cảng hàng không, các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn khai thác; không có sự cố mất an ninh, an toàn ảnh hưởng đến hoạt động bay; phục vụ tốt các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, 30/4-1/5, cao điểm hè trong bối cảnh cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quyết định về an ninh hàng không tăng cường trong các dịp lễ, tết và các giai đoạn tình hình an ninh trật tự phức tạp.
"Chất lượng dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 được nâng cao rõ rệt, các cảng hàng không, nhất là các cảng hàng không quốc tế lớn như Tân Sơn Nhất tại các đợt cao điểm tình trạng ùn tắc được cải thiện rõ rệt nhờ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc điều phối hoạt động khai thác", ACV đánh giá.
Lên phương án thu phí tự động không dừng tại ba cảng hàng không quốc tế
Về công tác chuyển đổi số, ACV hoàn tất triển khai checkin online của Vietjet trên hệ thống iCUTE (Hệ thống làm thủ tục hàng không dùng chung do ACV tự phát triển). Cùng với đó, hoàn tất triển khai thí điểm xác thực căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào làm thủ tục toàn trình cho hành khách đi tàu bay.
Đối với công tác A-CDM (công tác phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không), ACV tổ chức thử nghiệm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt kết quả tốt.
Hiện nay, ban chỉ đạo đang tổng hợp các phát sinh để đề ra các biện pháp khắc phục theo Thông báo kết luận số 3205/TB-CHKVN ngày 19/6/2023 của Cục Hàng không Việt Nam.
Về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm như: dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; dự án nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi..., lãnh đạo tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các ban quản lý dự án triển khai đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, tuân thủ quy định pháp luật và theo chỉ đạo chung của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt yêu cầu các cảng hàng không, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác khai thác đợt cao điểm hè 2023; bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ; bố trí, sắp xếp nhân lực và động viên người lao động hoàn thành tốt công tác đảm bảo khai thác.
Bên cạnh đó, tổng công ty đã giao kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển năm 2023 cho công ty mẹ và các cảng hàng không chi nhánh theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, do đó, lãnh đạo ACV yêu cầu các ban chức năng, các cảng hàng không căn cứ vào kế hoạch được giao, bám sát, quyết liệt triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao.
Đối với công tác xây dựng cơ bản, Tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt yêu cầu các ban quản lý dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình bảo đảm an toàn, tiến độ, chất lượng công trình, dự án theo kế hoạch được phê duyệt.
"Tập trung ưu tiên bảo đảm tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sớm chọn được nhà thầu và khởi công dự án nhà ga hành khách; khởi công dự án nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trong quý 4/2023. Các cảng hàng không tập trung triển khai công tác bảo trì khu bay nhằm đảm bảo an toàn khai thác", lãnh đạo ACV đề nghị.