Theo số liệu thống kê của Cục Hàng Hải Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt gần 371 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt gần 94 triệu tấn, tăng 2%. Hàng nhập khẩu ước đạt hơn 105 triệu tấn, giảm 8%. Hàng nội địa ước đạt hơn 171 triệu tấn, tăng 9%.
Riêng khối lượng hàng container ước đạt hơn 12,8 triệu TEUs, tăng 1% so với năm 2021.
Nguồn: Cục Hàng Hải Việt Nam.
Trước đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với vài năm gần đây mặc dù Việt Nam bước sang giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19. Đáng chú ý, hàng hóa nhập khẩu cũng giảm 8% so với cùng kỳ.
Cũng theo Cục Hàng Hải, hầu hết các khu vực cảng biển đều giảm. Cá biệt, một số khu vực giảm mạnh như khu vực Bình Thuận giảm 22% (từ 6,75 triệu tấn xuống 5,24 triệu tấn); khu vực Cần Thơ giảm 24% (từ 7,163 triệu tấn xuống còn 5,4 triệu tấn); Kiên Giang giảm 16%.
Ngoài ra, khu vực cảng biển lớn như Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh đều ghi nhận mức giảm từ 3-8% so với cùng kỳ, trong đó TP. Hồ Chí Minh đạt 67,212 triệu tấn giảm 8% (5,83 triệu tấn); Vũng Tàu đạt 46,997 triệu tấn giảm 3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chỉ có một vài khu vực có khối lượng hàng hoá nhích tăng như khu vực Quảng Ninh tăng 42,4% (từ 42,4 triệu tấn lên 55,554 triệu tấn), tăng chủ yếu là hàng tổng hợp, hàng khô (16,36 triệu tấn); khu vực An Giang tăng 218%; Quảng Trị tăng 20%; khu vực Đồng Nai tăng 32% (chủ yếu là hàng khô và hàng tổng hợp); khu vực Đồng Tháp tăng 9%, Quảng Nam tăng 15,78%.
Ngoài ra, theo Cục Hàng hải, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VMIC) quản lý đạt 31,468 triệu tấn, giảm 15% với cùng kỳ năm 2021 (do không thống kê sản lượng của Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh từ năm 2022), chiếm 10% tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước.
Trong đó, Cảng Hải Phòng có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất đạt 9,509 triệu tấn chiếm 30% tổng khối lượng hàng hóa do VMIC quản lý, đứng thứ 2 là Cảng Sài Gòn đạt 4,72 triệu tấn, đứng thứ 3 là cảng bến Tiên Sa đạt 3,56 triệu tấn.
Cùng với đó, khu vực cảng có khối lượng giảm mạnh nhất là Cảng Transvina giảm 55% và Cảng SSIT giảm 33%.
Trước đó, thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc khẳng định, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tăng giá nhiên liệu đầu vào, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới… nhưng tổng thể ngành giao thông vận tải; trong đó có ngành vận tải biển tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, sự tăng giá nguyên vật liệu, nhiên liệu đầu vào của sản xuất đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải.
Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải tích cực rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra vào các vùng nước cảng biển để giao nhận hàng hoá tại khu vực cảng biển và bến thuỷ nội địa; nghiên cứu phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải từ 8% xuống 5%; điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%....
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong cơ cấu giá thành vận tải biển, chi phí nhiên liệu, chi phí nhân công, chi phí bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Còn mức thu phí, lệ phí hàng hải tại cảng biển Việt Nam hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7-9% tổng chi phí vận tải của tàu hoạt động hàng hải quốc tế. Với hoạt động hàng hải nội địa, tỷ lệ này chiếm khoảng 3-5%. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có cơ chế giảm phí, lệ phí sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải biển vượt qua khó khăn.