Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank – NAB) ngày 7/10 thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới và tăng đồng loạt ở các kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 7,8%/năm, cao hơn trước 0,5 điểm %. Mức lãi suất này áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm online.
Tương tự, đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 13 tháng trở lên tăng 0,2 điểm % lên 7,5%/năm. Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 6 tháng nhà băng này đã lên 7,3%/năm, là một trong những ngân hàng niêm yết cao nhất ở kỳ hạn này. Lãi suất kỳ hạn 7-11 tháng đều là 7%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm ở quầy, lãi suất cũng tăng rất mạnh. Hiện mức lãi cao nhất là 7,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng niêm yết lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức kịch trần quy định: kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng có lãi suất 5%, lãi suất không kỳ hạn và dưới 1 tháng có lãi suất 0,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) cũng mới tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn từ ngày 6/10. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất trong tuần cuối tháng 9.
Cụ thể, hiện đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất của Sacombank đã tăng 0,5 điểm % lên 7,5%/năm. Tương tự, ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cũng tăng 0,5 điểm % lên 7%/năm. Ngân hàng cũng niêm yết lãi suất kỳ hạn 5 tháng ở mức trần quy định 5%/năm.
Đặc biệt, đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cao nhất của Sacombank đã chạm mốc 8%/năm, là mức lãi áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, khách hàng gửi từ 6 tháng trở lên sẽ có lãi suất trên 7%/năm: kỳ hạn 6 tháng 7%/năm, kỳ hạn 9 tháng 7,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng 7,4%/năm, kỳ hạn 18 tháng 7,7%/năm. Các mức lãi suất này đã tăng khoảng 0,5 %/năm so với trước.
Theo đó, trong số những ngân hàng lớn (trong top 10 nhiều tiền gửi nhất), Sacombank đang là ngân hàng có lãi suất cao nhất. Các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, MB,… có lãi suất cao nhất quanh 7,5%/năm, trong khi nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) có lãi suất cao nhất là 6,8%/năm.
Có thể thấy, cuộc đua lãi suất huy động vẫn còn rất “nóng hổi”. Chỉ vừa tăng lãi suất được hơn 1 tuần, nhiều ngân hàng lại tiếp tục tăng thêm với mức điều chỉnh khá lớn. Chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, có không ít nhà băng đã tăng lãi suất thêm 1,5%/năm.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã quay lại thời điểm trước dịch Covid-19. Theo Chứng khoán BVSC, diễn biến tăng của lãi suất huy động trong tháng 10 sẽ còn mạnh hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9.
Nhóm chuyên gia của BVSC cho biết, Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tới ngày 20/9/2022 đạt 10,54% so với cuối năm trước. Mặc dù vẫn đang cao hơn nhiều so với mức tăng trong cùng kỳ, đà tăng của tín dụng tiếp tục chậm lại so với các tháng đầu năm. Đầu tháng 9, NHNN công bố đã chính thức thực hiện phân bổ hạn mức tín dụng cho các NHTM.
BVSC cho rằng nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, vẫn còn khoảng 3,46% hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho các ngân hàng trong khoảng thời gian từ tuần cuối cùng của tháng 9 tới cuối năm, tương đương với 361.365 tỷ đồng.
Việc mở hạn mức tín dụng ở thời điểm hiện tại là cần thiết để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm 2022. Cũng trong tháng 9, NHNN đã quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1 điểm % và nâng trần lãi suất với các kỳ hạn ngắn. Đây là quyết định phù hợp với bối cảnh thực tế, vừa giúp ổn định tỷ giá – khi đồng VND trở nên hấp dẫn hơn, vừa với mục đích duy trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhóm phân tích này cũng nhận định, từ giờ tới cuối năm, nhiều khả năng NHNN sẽ tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỷ giá, do Fed vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong hai cuộc họp cuối năm, sẽ kéo chỉ số US Dollar Index tiếp tục tăng. Động thái này sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2022.