Tại diễn đàn “Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022” với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp từ nước ngoài.
Trong khi đó, chúng ta đang sử dụng quá nhiều năng lượng cho một đơn vị GDP. 20 năm gần đây tăng trưởng điện của Việt Nam luôn đứng đầu khu vực ở mức 2 con số.
Cụ thể, theo số liệu của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2001-2010 tổng nhu cầu năng lượng đã tăng trung bình 10% và tăng 7% trong giai đoạn 2011-2019. Việt Nam đã nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023.
“Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng nhấn mạnh.
Thách thức đầu tư tiết kiệm năng lượng
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam cũng đồng tình, Việt Nam là một trong những nước có cường độ tiêu thụ năng lượng cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 2 sau Brunei, cao hơn 25% trung bình khu vực.
Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp rẻ nhất để tăng cường nguồn cung cho hệ thống năng lượng.
Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là một trong những lĩnh vực cốt lõi của quá trình chuyển dịch năng lượng. Vì vậy rất cần sự nỗ lực của “toàn bộ nền kinh tế” và tất cả các ngành.
Mục tiêu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo Nghị quyết 55-NQ/TW đặt ra đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Đại diện UNDP cho rằng Việt Nam có nhiều yếu tố khả thi để đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Đó là tiềm năng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cao (trên 20%), lại có nhiều doanh nghiệp hoạt động lâu năm, tăng trưởng khá cao; doanh nghiệp có đủ năng lực để vay vốn thương mại sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Các chính sách và giải pháp hỗ trợ thực hiện tiết kiệm năng lượng ngày càng hoàn thiện. Chúng ta có nguồn lực về tài chính và dự án nước ngoài hỗ trợ; công nghệ và kỹ thuật tiết kiệm năng lượng ngày càng phổ biến và chi phí giảm; giá năng lượng ngày càng có xu thế tăng làm cho các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng khả thi hơn về tài chính.
Nhưng ngược lại, thách thức là nhận thức và ưu tiên về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh còn thấp. Trình độ kỹ thuật, quản lý năng lượng của đa số các doanh nghiệp còn thiếu và yếu. Nhiều doanh nghiệp eo hẹp vốn kinh doanh, khó vay vốn thương mại.
Hơn nữa, năng lực tiếp cận công nghệ, kỹ thuật và hỗ trợ tài chính còn thiếu. Không những vậy, sự thay đổi về các chính sách, quy hoạch gây rủi ro cho đầu tư tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo. Thiếu cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ để thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có tổ chức đánh giá năng lực các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ năng lượng. Chưa có sàn thương mại công khai, minh bạch về các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Hoàn thiện các chính sách
Đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lai cho rằng, trước hết cần rà soát và sửa đổi nhằm hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng và sử dụng tái tạo năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như: chính sách ưu đãi đầu tư, vay vốn và lãi suất, thuế, hoặc thưởng.
Tiếp đến, thúc đẩy phát triển ổn định thị trường dịch vụ, thiết bị và vốn cho tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo bao gồm cả hoàn thiện chính sách cho ESCO (mô hình tiết kiệm năng lượng).
Hoàn thiện hệ thống đào tạo nâng cao năng lực kỹ thuật, quản lý năng lượng, lập và phân tích dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Đồng thời ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo cho hệ thống hơi, hệ thống nhiệt và hệ thống xử lý nước thải, như: chiếu sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED, lắp biến tần cho các động cơ và thiết bị…
Có các giải pháp hỗ trợ đầu tư dài hạn vào tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. Trong đó hỗ trợ thiết kế, xây dựng dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Kết hợp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo với phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của ngành theo hướng liên kết chuỗi, phát triển bền vững…
Kiến nghị giải pháp tiết kiệm năng lượng cho Việt Nam, TS. Phạm Văn Long, Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản đề xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các công nghệ điện tử công suất mới, công nghệ xe điện, công nghệ hydrozen; phát triển hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường. Việt Nam phải xây dựng lộ trình, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… để giải bài toán tiết kiệm năng lượng hiện nay của Việt Nam.