Hôm 13/4, các nhà lập pháp bang Montana, Mỹ đã công bố lệnh cấm sử dụng TikTok trên toàn khu vực. Đây được xem là động thái hiển nhiên bởi Mỹ đang gây sức ép pháp lý lên TikTok, đồng thời cũng là bước thử đầu tiên cho các nhà làm luật muốn Mỹ nói không với TikTok.
Người tiên phong cấm TikTok
Theo SCMP, Montana là bang đầu tiên tại quốc gia này cấm hoàn toàn mọi hoạt động sử dụng TikTok. Trước đó, những khu vực khác chỉ cấm app chia sẻ video ngắn của Trung Quốc trên các thiết bị thuộc sở hữu chính phủ.
Hạ viện bang Montana đã biểu quyết thông qua lệnh cấm này vào hôm 13/4 và sẽ được chuyển đến Thống đốc Greg Gianforte. Ông Gianforte chính là người ban lệnh cấm TikTok trên các thiết bị chính phủ ở bang này.
Tổng chưởng lý Austin Knudsen của tiểu bang Montana đã kêu gọi các nhà lập pháp sớm thông qua đạo luật cấm TikTok vì lo ngại rằng Quốc hội sẽ không thể ban hành lệnh cấm với quy mô toàn quốc. Ông cho rằng bang Montana có thể trở thành người tiên phong cho lệnh cấm TikTok.
“Tôi không cấm các doanh nghiệp tư nhân nhưng trường hợp của TikTok là cá biệt”, ông Knudsen nói. Ông cho rằng TikTok là một doanh nghiệp được kiểm soát bởi một thế lúc bên ngoài, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro quốc gia.
Theo Tổng chưởng lý bang Montana, lệnh sẽ cấm mọi hình thức tải TikTok về máy trong toàn bang, nhưng người dùng sẽ không phải là đối tượng bị phạt. Thay vào đó, bất kỳ tổ chức hay dịch vụ nào như App Store, Play Store vi phạm lệnh cấm sẽ phải đóng phạt 10.000 USD/lần.
Một lần vi phạm sẽ ứng với một lần người dùng truy cập vào TikTok hoặc một lần App Store cho phép họ truy cập, tải về TikTok. Con số 10.000 USD sẽ được cộng dồn vào mỗi ngày nếu vi phạm này vẫn tiếp diễn.
Trong bản thảo lệnh cấm trước đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cũng phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định này đã được gỡ bỏ sau khi một nhà vận động hành lang của AT&T phản đối rằng không thể thực hiện trong thực tế.
Lệnh cấm bị phản đối
Đạo luật mới nhất của bang Montana cũng vấp phải nhiều phản đối. Nhiều người cho rằng chính phủ đang lạm quyền và người dùng hoàn toàn có thể lách luật bằng cách sử dụng VPN. VPN sẽ mã hóa mọi lưu lượng truy cập Internet và gây khó khăn cho các công ty bên thứ ba theo dõi các hoạt động online, thu thập thông tin, vị trí dữ liệu của người dùng.
Hồi tháng 3, một đại diện đến từ TechNet, nhóm tập đoàn thương mại công nghệ Mỹ, cũng khẳng định rằng các kho ứng dụng không thể hạn chế một ứng dụng tại từng tiểu bang một. TechNet khẳng định những thành viên của họ như Apple và Google không thể cấm người tải TikTok về máy tại bang Montana.
Về phía TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc không hề đồng ý với lệnh cấm của bang Montana. Với 150 triệu người dùng mỹ, TikTok khuyến khích họ lên tiếng phản đối lệnh cấm, đồng thời ráo riết chiêu mộ các nhà vận động hành lang.
TikTok đã mua hàng loạt biển quảng cáo, chi tiền cho quảng cáo trên báo chí và thậm chí còn lập một trang web riêng để phản đối lệnh cấm của Montana. Một vài tờ báo địa phương còn đưa tin về cách các doanh nghiệp địa phương dùng TikTok để thúc đẩy doanh số.
Theo Shauna White Bear, chủ sở hữu White Bear Moccasins, lệnh cấm cho thấy bang Montana không muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương. Cô gái cho biết công ty của cô nhận tương tác trên TikTok nhiều hơn các mạng xã hội khác.
“Chúng tôi tin rằng đây rõ ràng là một hành vi kiểm duyệt nội dung và vi phạm đến quyền tự do ngôn luận của bang Montana”, Keegan Medrano thuộc Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nhận định.
Thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance, TikTok đang đối mặt với sức ép từ chính quyền Washington do lo ngại rò rỉ dữ liệu đến chính phủ Trung Quốc hoặc trở thành tay sai đắc lực cho Bắc Kinh, lan truyền thông tin sai lệch đến người dùng. Mỹ buộc công ty này phải bán mình ở Mỹ hoặc bị cấm. Những người đứng đầu FBI, CIA và hàng loạt nhà lập pháp cũng bày tỏ quan ngại trên nhưng thiếu bằng chứng xác thực.
Thay vào đó, họ đã viện dẫn điều luật do Trung Quốc ban hành vào năm 2017, trong đó yêu cầu các công ty cung cấp cho chính phủ mọi dữ liệu cá nhân liên quan đến an ninh quốc gia.gia. Họ còn đề cập đến vụ việc ByteDance sa thải 4 nhân viên vì truy cập trái phép dữ liệu người dùng của 2 nhà báo để phục vụ cuộc điều tra nội bộ về nguy cơ rò rỉ thông tin. Điều này càng khiến cho chính phủ Mỹ nảy sinh nghi ngờ.
Theo SCMP, Quốc hội Mỹ đang cân nhắc về các lệnh cấm nhưng thay vì đánh thẳng vào TikTok, họ lại trao quyền cho Bộ Thương mại siết chặt những rủi ro xuất hiện trên các nền tảng công nghệ nói chung. Lệnh cấm này được Nhà Trắng ủng hộ nhưng bị nhiều chuyên gia về lĩnh vực quyền riêng tư, các chính khách phản đối vì cho rằng quy mô áp dụng quá rộng.