Chấp nhận sống một mình đồng nghĩa bạn phải tự trang trải toàn bộ chi phí sinh hoạt. Ảnh: Phương Lâm.
Theo báo cáo "Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam" do British Council thực hiện vào năm 2018, thanh niên Việt Nam (độ tuổi 25-30) đang có tính cá nhân cao hơn tính cộng đồng. Họ mong muốn sống một mình, ngần ngại kết đôi hoặc ở chung với gia đình, bè bạn.
Còn theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tỷ lệ người sống độc thân tại Việt Nam đang tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019.
Trên thực tế, quyết định sống tự lập giúp người trẻ cảm thấy tự do, thoải mái hơn, song cũng phải tự gồng gánh các chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ nơi đô thị. Khó khăn còn xảy ra đối với trường hợp người trẻ có nuôi thêm thú cưng hoặc đi du lịch một mình.
Zing trò chuyện cùng 4 bạn trẻ ở những độ tuổi, nơi sinh sống khác nhau để lắng nghe về việc họ đã tốn kém ra sao từ khi lựa chọn cuộc sống độc lập.
"Cơm hàng cháo chợ"
(Trọng Hoàng, 27 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Ăn uống bên ngoài khiến Trọng Hoàng tốn kém nhiều hơn dự định.
Không muốn phải đi xa mỗi ngày để đến công ty và các tụ điểm ăn chơi, tôi chấp nhận chi trả 10 triệu đồng mỗi tháng để thuê một căn hộ tại quận Hoàn Kiếm.
Chi phí dịch vụ tại quận trung tâm cũng cao hơn nhiều so với khu vực ven đô. Tiền điện hàng tháng của tôi lên tới hơn một triệu đồng, phí dịch vụ vệ sinh khoảng 200.000-300.000 đồng.
Nhiều tháng chưa kịp nhận lương đã đến hạn đóng tiền nhà, tôi buộc phải vay tiền bạn bè và người thân để chi trả.
Bên cạnh đó, kết thúc ngày làm việc kéo dài 8-10 tiếng, tôi nản chí khi nghĩ đến cảnh chen chúc tại siêu thị mua thực phẩm và trở về căn bếp bám bụi tại nhà.
Tôi thuê căn hộ tích hợp đảo bếp lớn phục vụ sở thích nấu ăn, nhưng khi chỉ có một mình, tôi hiếm khi động tay vào nồi chảo, bát đũa.
Mỗi ngày tan làm, tôi thường rủ vài đồng nghiệp ghé một hàng quán bất kỳ gần công ty. Bữa tối được giải quyết nhanh chóng với chi phí khoảng 100.000-200.000 đồng/người.
Tuy nhiên, không phải ngày nào tôi cũng có thể rủ người đi ăn uống cùng. Đồng nghiệp của tôi phần lớn đã có gia đình nên hạn chế "cơm hàng cháo chợ".
Lúc này, tôi lại về nhà và đặt đồ ăn trên các ứng dụng. Sau khi hào hứng chọn món yêu thích, tôi giật mình nhận ra không thể chia sẻ chi phí vận chuyển với ai. Vào những khung giờ cao điểm, tôi chịu phí vận chuyển bằng tiền một suất ăn dành cho một người.
"Nhà trẻ" thú cưng
Khánh Toàn (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM)
Khánh Toàn bất ngờ vì chi phí nuôi thú cưng mỗi tháng mà mình phải bỏ ra.
Trở về Việt Nam sau 3 năm du học tại Australia, tôi chi trả 12 triệu đồng/tháng cho một căn hộ dịch vụ ở trung tâm TP.HCM.
Tiền thuê nhà hiện chiếm tới hơn 30% thu nhập của tôi. Tuy nhiên, tôi chấp nhận chi trả để có được cuộc sống thoải mái.
Nhưng vấn đề tài chính bắt đầu căng thẳng hơn cách đây một năm khi tôi quyết định nuôi một chú chó.
Khi chỉ sống một mình, chi phí dành cho thú cưng tốn kém hơn nhiều so với tôi tưởng tượng.
Do tính chất công việc thường xuyên đi công tác, không có "homemate" (bạn cùng nhà) giúp trông coi cún cưng, tôi buộc phải gửi chú chó của mình đi "nhà trẻ".
Những ai từng đưa chó, mèo đến dịch vụ trông coi hộ mới biết giá cả cao đến nhường nào. Theo đó, tôi phải chi trả phí lưu trú 150.000 đồng/ngày cho thú cưng, cộng thêm tiền ăn 3 bữa/ngày của cún khoảng 100.000 đồng, chưa kể tiền spa hoặc tắm gội cho chó.
Trung bình mỗi tháng, tôi sẽ đi xa khoảng 8-10 ngày. Như vậy, chi phí cho chú cún của tôi đã tốn vài triệu đồng.
Nếu ở cùng bạn hoặc gia đình, các khoản "nhà trẻ" cho thú cưng sẽ giảm đi đáng kể.
Tốn kém cho đồ dùng, nội thất
Hoàng Anh (28 tuổi, quận 9, TP.HCM)
Căn nhà được Hoàng Anh trang trí dần sau 2 năm dọn về.
Mong muốn có được cuộc sống riêng tư và độc lập, tôi quyết định thuê một căn chung cư ở quận 9 (TP Thủ Đức mới), cách xa trung tâm thành phố đến 19 km.
Căn hộ này không có sẵn nội thất, giá thuê chỉ 5 triệu đồng/tháng. Chỉ sống một mình, tôi cho đây là cách mình tiết kiệm.
Tuy nhiên, khi bắt đầu dọn vào căn hộ, tôi mới nhận ra mình sẽ phải một mình cáng đáng toàn bộ chi phí sắm sửa đồ dùng và nội thất.
Căn nhà chưa có đồ dùng gì, tôi phải lên kế hoạch mua từ giường, nệm, tủ, kệ cho đến chén bát, đồ trang trí...
Khoản tốn kém nhất thuộc về các thiết bị điện tử như tủ lạnh, máy giặt, tivi…
Tất nhiên, tôi không thể chi trả một lúc cho quá nhiều các sản phẩm đắt tiền đó. Điều này buộc tôi phải suy nghĩ kỹ để quyết định mua món nào đầu tiên.
Tôi nhớ những ngày đầu dọn ra riêng, tôi phải đóng 2 tháng tiền cọc và một tháng tiền nhà, hết 15 triệu đồng. Sau đó, tôi mua một chiếc tủ lạnh với giá 12 triệu đồng theo hình thức trả góp. 3 tháng sau đó, tôi mới đủ tài chính để mua tiếp được chiếc máy giặt để tiện cho sinh hoạt.
Du lịch đơn độc quá tốn kém
Kiều Linh (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Khánh Linh lựa chọn đi du lịch một mình nhưng nhận ra điều này quá tốn kém.
Tôi đang sống một mình và thường lựa chọn làm mọi thứ độc lập, như ăn uống, mua sắm hoặc đi cà phê. Mọi thứ khá ổn, cho đến những chuyến du lịch chỉ có một mình
Dường như dịch vụ du lịch không được thiết kế dành cho những kẻ đơn độc. Mùa hè vừa qua, tôi tự vi vu đến Phan Thiết trong 4 ngày 3 đêm và khá sốc khi tiêu tốn đến 8 triệu đồng.
Trước đây, đi với nhóm bạn trong hành trình tương tự, tôi chỉ mất phân nửa chi phí.
Theo đó, tôi bắt buộc phải thuê một căn phòng đôi trong 3 đêm do khách sạn không có loại phòng đơn.
Dành cả tuần trước chuyến đi để săn lùng chỗ ở trên các website hỗ trợ đặt phòng, tôi nhận ra phần lớn các khách sạn và resort tại Phan Thiết đều chỉ thiết kế phòng đôi hoặc phòng gia đình.
Các homestay lân cận có loại phòng tập thể, giường tầng, song tôi không dám ở vì lo sợ vấn đề an ninh. Không có sự lựa chọn nào khác, tôi đành chi trả hơn 3,5 triệu đồng chỉ riêng cho khoản lưu trú.
Chưa kể, việc thuê xe máy hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng suốt các địa điểm tham quan cũng rất tốn kém khi tôi chỉ có một mình. Tôi trả hơn 500.000 đồng cho chuyến taxi khứ hồi từ khách sạn đến điểm vui chơi, trên xe chỉ có mình tôi và tài xế.