Thách đấu là một tính năng dành cho công cụ phát sóng trực tiếp trên nền tảng video ngắn TikTok. Ra đời từ 2021, hình thức này dần biến tướng thành dạng nội dung bẩn, với các chiêu trò thu hút lượt xem rẻ tiền như chửi bậy, khoe thân, làm trò lố, phản cảm.
Bất chấp nội dung xấu, những phiên phát sóng trực tiếp của nhiều “idol” trên TikTok vẫn thu hút lượng xem lớn. Đồng thời, việc lôi kéo tặng quà từ người hâm mộ giúp nền tảng và người phát sóng thu lợi lớn.
TikTok chiếm phần lớn lợi nhuận từ nội dung bẩn
Trao đổi với Zing, ông N.P., người làm nội dung trên TikTok, có gần 3 triệu theo dõi, cho biết trong một buổi gặp gỡ người làm nội dung gần đây, TikTok dành nhiều thời gian để chia sẻ về định hướng của nền tảng. Trong đó, tính năng phát sóng trực tiếp được ưu tiên hơn cả. Đây là hướng phát triển của TikTok tại Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên, khung 19-22h mỗi ngày là khoảng thời gian xuất hiện nhiều phiên phát sóng trực tiếp trên TikTok. Về nguyên tắc, đây là phần nội dung được thuật toán ưu tiên phân phối đến người xem. Trong đó, những livestream dạng PK có tần suất hiển thị liên tục.
Đồng thời, chính số tiền người xem tặng cho nhà sáng tạo cũng là nguồn thu cho TikTok. Tuy nhiên, chính sách chia sẻ doanh thu của nền tảng này với người phát sóng hiện không rõ ràng.
“Người làm nội dung độc hại chỉ nhận 30%, còn TikTok sẽ cắt phế 70% trong các quà tặng quy đổi thành tiền do người dùng ‘donate’, chúng tôi chưa hiểu các hợp đồng, quy định pháp luật nào cho phép làm như vậy”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết trong buổi họp báo do Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức chiều 6/4.
Như vậy, nền tảng này là bên ở giữa chiếm phần lớn lợi nhuận. Khi người xem càng tương tác, tặng quà trên nền tảng, mạng xã hội video ngắn là bên nhận được nhiều nhất, từ cả quảng cáo và tiền ủng hộ.
“Việc nội dung xấu, độc hại được phân phối đến người xem là trách nhiệm của nền tảng. Nếu họ kiểm soát chặt chẽ, những hình thức như vậy không thể bị phát tán đến nhiều người. Khi dạng nội dung kiểu này đã bùng phát, việc quản lý, kiểm soát trở lại rất khó khăn”, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê, chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lucas Phạm, Giám đốc điều hành Mango Digital và YouNet AM, cho rằng đội ngũ TikTok cần nâng cấp thuật toán, tăng cường kiểm duyệt với tính năng nhiều nguy cơ như livestream thách đấu.
Cách dễ nhất để kiếm tiền trên TikTok
Ông N.P. cho biết những phiên phát sóng PK (thách đấu) là nguồn thu chính cho các TikToker.
Cụ thể, nền tảng chia sẻ video ngắn hiện không chia sẻ doanh thu từ quảng cáo, theo lượt xem như YouTube. Do đó, chỉ có hai cách để kiếm tiền trên TikTok, gồm chèn đường dẫn quảng cáo sản phẩm để ăn hoa hồng và kêu gọi người xem ủng hộ.
“Tuy nhiên gần đây việc kiếm tiền qua affiliate (hoa hồng bán hàng) không còn tốt nữa. Chủ yếu TikToker tự nhập hàng và bán cho người theo dõi luôn. Do đó, nhận donate (ủng hộ) từ người xem là cách khả thi hơn”, ông N.P. nói.
Với hình thức PK, người phát sóng dễ dàng kêu gọi người xem của mình ủng hộ bằng vật phẩm ảo, vốn phải mua bằng tiền thật. Giá trị của quà tặng khởi điểm ở mức vài nghìn đồng, mở rộng đến hàng chục triệu đồng. Hình thức kiếm tiền này không yêu cầu tài năng, kiến thức, chủ yếu phụ thuộc vào độ nổi tiếng, lượng người theo dõi của chủ tài khoản.
“Nội dung ở những buổi livestream PK thường rất đơn giản, không yêu cầu kỹ năng ca hát, nhảy múa hay chuyên môn đặc biệt. Do đó, cách này có thể giúp nhiều TikToker kiếm được tiền tại nhà”, ông Tuấn Ngọc, CEO Novagroup, MCN đối tác của TikTok Việt Nam trả lời Zing.
Theo ông Lê Quốc Vinh, có một nhóm làm nội dung đang bất chấp tất cả để kiếm tiền bằng nội dung bẩn trên nền tảng video ngắn. “Đó là khi người ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không nghĩ đến hậu quả hay tác động xấu đến cộng đồng”, ông Vinh nhận định.
Cách nội dung xấu thâm nhập vào nhóm người xem trẻ tuổi
Theo ông N.P., đối tượng theo dõi, tặng quà cho người phát sóng PK trên TikTok hiện chủ yếu thuộc nhóm trẻ tuổi. Đây là những người dùng chưa xây dựng được bộ lọc để xử lý nội dung xấu. Qua đó, những buổi PK khoe thân hay chửi bậy của những “giang hồ mạng” trên TikTok vẫn đạt lượng tương tác lớn.
Ông Lucas Phạm cho rằng những dạng phát trực tiếp PK thỏa mãn được nhu cầu “thấy mình có giá trị” của nhiều người xem. “Khi theo dõi và ủng hộ PK bẩn, họ cảm giác bản thân có giá trị khi người khác chiều theo ý của mình, để thực hiện những điều không lành mạnh”, ông Lucas chia sẻ.
Mặt khác, ông Lê Quốc Vinh cho rằng nhóm đối tượng người xem trẻ tuổi đang có xu hướng lệch chuẩn trong suy nghĩ. Họ đang tìm cách thoát khỏi những khuôn khổ, tiêu chuẩn của thế hệ trước. Mạng xã hội cung cấp môi trường và nội dung hợp thị hiếu của tập người dùng này.
Trong buổi họp báo chiều 6/4, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông đã chia sẻ chi tiết những vi phạm của TikTok tại Việt Nam và kế hoạch kiểm tra, xử lý nền tảng này trong thời gian tới. Theo đại diện Cục PTTH&TTĐT, 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam bao gồm:
1. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
2. Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
3. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái….
4. Không quản lý hoạt động của các idol TikTok, nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.
5. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là các nội dung trích từ phim.
6. Không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.