John J. Ray III, người đang phụ trách tái cơ cấu cho FTX kiêm nhân chứng duy nhất tại phiên điều trần trước Hạ viện vừa cho biết: “Cuối cùng, chúng tôi sẽ không thể đền bù cho những mất mát của tất cả các khách hàng”. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài, của sàn giao dịch tiền số FTX sẽ không thể lấy lại tiền sau khi công ty này phá sản.
Người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried vừa bị bắt tại Bahamas sau khi chính phủ Mỹ đệ đơn tố cáo hình sự trước âm mưu lừa đảo lạm dụng hàng tỷ USD tiền của khách hàng. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch mới đây cũng cáo buộc Bankman-Fried lừa gạt các nhà đầu tư và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai - cơ quan trước đó đã kiện vị cựu CEO, FTX và công ty giao dịch chị em Alameda Research vì vi phạm luật hàng hóa.
Phiên điều trần ngày thứ Ba (theo giờ Mỹ) đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của Quốc hội vào những hệ lụy sau vụ phá sản của FTX. “Ngôi sao sáng chói một thời” của giới tiền số đã vụt tắt vào tháng 11, đồng thời gây ra làn sóng chấn động khắp toàn ngành.
Tại phiên điều trần, đại diện Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, cho biết bà “rất lo lắng khi biết được việc Bankman-Fried và các nhân viên khác đã lừa dối khách hàng”.
Do thiếu nhân chứng, giới lập pháp chỉ biết dựa vào lời khai của Ray để hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền số. Theo Ray, gần như không có ranh giới tách biệt giữa tiền của khách hàng FTX và tài sản Alameda. Hai công ty này cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau và được điều hành như một thực thể.
Trả lời các câu hỏi về khoản vay trị giá 1 tỷ USD mà Bankman-Fried nhận được từ Alameda, Ray cho biết vị cựu tỷ phú đã ký một văn bản với tư cách vừa là người phát hành, vừa là người nhận.
“Vào thời điểm này, chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về mục đích hoặc quá trình sử dụng những khoản tiền đó. Đó là một phần trong cuộc điều tra của chúng tôi,” ông nói, đồng thời cáo buộc chính phủ Bahamian đã “bắt tay” cùng Bankman-Fried để chuyển 100 triệu USD cho khoảng 1.500 khách hàng tại nước này trước khi đơn phá sản được đệ trình ở Mỹ. Cha mẹ Bankman-Fried, hiện đang bị giám sát, cũng có liên quan đến bê bối.
“Sự sụp đổ của FTX dường như bắt nguồn từ việc tập trung toàn bộ quyền kiểm soát vào tay một nhóm rất nhỏ những người thiếu kinh nghiệm”, Ray làm chứng trong phiên điều trần.
Theo Ray, một số hành vi không thể chấp nhận được tại FTX bao gồm việc sử dụng cơ sở hạ tầng máy tính cho phép các nhà quản lý cấp cao truy cập vào hệ thống lưu trữ tài sản khách hàng. Ngoài ra, việc thiếu sót các báo cáo tài chính đã được kiểm toán cùng tình trạng tài sản trộn lẫn cũng là 2 trong số những vấn đề được đưa ra tại tòa.
Theo Ray, FTX là một trong những câu chuyện phá sản tệ nhất ông từng chứng kiến, nếu xét trên việc thiếu thốn tài liệu điều tra. “Chúng tôi đang phải giải quyết một vụ phá sản không có nhiều giấy tờ liên quan. Điều đó gây khó khăn cho việc theo dõi và truy tìm tài sản”, ông nói, đồng thời tiết lộ đã thuê công ty kiểm toán Ernst & Young để xem xét xem liệu FTX có điền đúng tờ khai thuế hay không.
Đáp lại, Bankman-Fried cho biết lãnh đạo hiện tại của FTX đã từ chối lời đề nghị của anh để sàng lọc “đống đổ nát” và thu hồi tiền cho khách hàng. FTX và hơn 100 công ty liên quan đã buộc phải nộp đơn xin phá sản vào tháng trước.
Bankman-Fried cũng phần lớn đổ lỗi cho Changpeng “CZ” Zhao, Giám đốc điều hành Binance, cho rằng vị tỷ phú đó đã châm ngòi cho cuộc tháo chạy trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, theo Ray, ngay cả khi không có làn sóng bán tháo token đó, FTX vẫn không đủ khả năng thanh toán tiền cho khách hàng.
“Anh ta nợ người dân Mỹ một lời giải thích,” các thượng nghị sĩ nói trước khi Bankman-Fried bị bắt.
Theo các chuyên gia pháp lý, Bankman-Fried có thể phải đối mặt với một loạt các cáo buộc, cả dân sự và hình sự, cùng một loạt các vụ kiện riêng lẻ của hàng triệu chủ nợ FTX. Cho đến thời điểm hiện tại, đây hoàn toàn chỉ là giả thuyết vì Bankman-Fried vẫn chưa bị buộc tội.
Theo Richard Levin, chuyên gia ngành fintech, Bankman-Fried có thể phải đối mặt với 3 mối đe dọa pháp lý khác nhau, không chỉ ở riêng nước Mỹ, trong đó có cáo buộc “vi phạm hình sự luật chứng khoán, luật gian lận ngân hàng và luật gian lận chuyển khoản”.
“Các công tố viên sẽ phải chứng minh hợp lý rằng Bankman-Fried hoặc các cộng sự của anh ta đã phạm tội lừa đảo. Lập luận là Alameda đang lừa khách hàng và lấy tiền của họ sử dụng vào mục đích kinh doanh khác. Nếu bạn là một quỹ phòng hộ và đang nhận tiền của khách hàng, bạn thực sự phải có nghĩa vụ ủy thác đối với khách hàng”, Mariotti, cựu công tố viên liên bang chia sẻ với CNBC.
Ngoài các cáo buộc hình sự, Bankman-Fried cũng có thể phải đối mặt với cáo buộc dân sự. “Điều đó có thể được đưa ra bởi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán SEC, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai CFTC, các cơ quan quản lý chứng khoán và ngân hàng nhà nước”, Levin tiếp tục. “Có thể sẽ có rất nhiều vụ kiện đối với các Giám đốc điều hành có liên quan đến FTX”.
Được biết cho đến thời điểm hiện tại, nhiều vụ kiện tập thể đã được đệ trình để chống lại những người ủng hộ FTX, chẳng hạn như diễn viên hài Larry David và siêu sao bóng đá Tom Brady. Họ được cho là đã không “thẩm định cẩn thận trước khi quảng bá FTX cho công chúng.”
Các công ty cùng ngành cũng đệ đơn kiện Bankman-Fried, trong đó có BlockFi. Công ty này kiện Bankman-Fried hồi tháng 11 nhằm tìm kiếm tài sản thế chấp không tên mà vị cựu tỷ phú này đã nhắc đến trước đó. Bankman-Fried cũng bị kiện tại bang Florida và California vì bị cho là đứng đầu “một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử”.