Theo Wall Street Journal, các hoạt động kinh tế ở châu Âu và Nhật Bản đồng loạt suy yếu trong tháng 8. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả leo thang đang giáng đòn mạnh lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Riêng châu Âu đã chứng kiến hoạt động kinh tế suy yếu trong tháng thứ 2 liên tiếp. Nguyên nhân là giá năng lượng tăng trở lại do những bất ổn xoay quanh nguồn cung năng lượng từ Nga.
PMI tiếp tục lao dốc
Mới đây, công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống chính Nord Stream 1 sang châu Âu trong vòng 3 ngày.
Động thái đột ngột của Gazprom làm dấy lên lo ngại về việc Moscow chặn hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Châu lục này cũng đang chật vật lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trước mùa đông.
Theo công ty S&P Global, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực đồng euro - đo lường hoạt động trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã giảm từ 49,9 trong tháng 7 xuống 49,2 vào tháng 8, mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.
Sản lượng trong lĩnh vực sản xuất đã ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Số lượng đơn hàng mới trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều sụt giảm. Trong khi đó, các nhà máy ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng lên do nhu cầu giảm.
Trong khi đó, số liệu về PMI của Đức cho thấy sự sụt giảm mạnh nhất trong hoạt động kinh doanh kể từ tháng 6/2020. Pháp cũng ghi nhận đợt suy yếu đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Nền kinh tế của khu vực đồng euro bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột Nga - Ukraine. Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao khiến sức mua của người tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.
Cuộc xung đột cũng ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Nhưng đến nay, lạm phát leo thang vẫn chưa làm chệch hướng phục hồi hậu đại dịch của khu vực đồng euro. Khu vực này đã phục hồi chậm hơn Mỹ do duy trì các yêu cầu chống dịch lâu hơn.
Việc bắt đầu mở cửa chậm hơn đã giúp kinh tế khu vực tăng trưởng dương trong quý II, ngay cả khi kinh tế Mỹ lao dốc trong 2 quý liên tiếp.
Triển vọng mờ mịt
Trong tháng 8, vào mùa cao điểm du lịch, khu vực đồng euro vẫn ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động của ngành du lịch và giải trí.
Theo giới quan sát, khu vực đồng euro khó tránh được một cuộc suy thoái vào cuối năm nay. Giá năng lượng sẽ tăng cao hơn nữa trong mùa đông và đè nặng lên ví tiền của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái sẽ phụ thuộc vào việc lạm phát tác động thế nào đến chi tiêu hộ gia đình, cũng như sản lượng của các nhà máy sụt giảm tới đâu do yêu cầu hạn chế sử dụng nhiên liệu.
Theo các nhà kinh tế tại Barclays, khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng trong quý III nhưng lao dốc vào quý cuối năm.
Tuy nhiên, họ cho rằng "có vẻ hơi lạc quan khi dự báo một cuộc suy thoái nhẹ". Nhóm phân tích chỉ ra tình trạng không chắc chắn về nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Các cuộc khảo sát của S&P Global chỉ ra hoạt động của khu vực tư nhân ở Nhật Bản và Australia cũng lần đầu sụt giảm kể từ đợt bùng dịch hồi đầu năm.
Cùng với sự suy yếu của kinh tế châu Âu, các cuộc khảo sát chỉ ra tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm nay. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ được dự báo tăng trưởng ổn định vào tháng 8 sau khi thu hẹp trong tháng 7.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa và khủng hoảng trong ngành địa ốc, kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc tăng trưởng trong quý II và tháng 7. Đợt nắng nóng kỷ lục cũng giáng thêm đòn cho nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tình trạng thiếu hụt điện do nắng nóng và hạn hán đã khiến tỉnh Tứ Xuyên - trung tâm sản xuất chất bán dẫn, pin lithium và phụ tùng xe - ra lệnh đóng cửa hầu hết nhà máy. Các chuyên gia cảnh báo đợt nắng nóng hiện nay có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm.