Từ giữa năm 2022, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đều tăng cao, điều này đã tác động một phần tới thanh khoản trên thị trường bất động sản. Từ đó, thị trường bất động sản vẫn duy trì nhịp độ trầm lắng, không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả người mua nhà ở thực cũng dè chừng với lãi suất vay.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, kể từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2022 chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn xấp xỉ ở mức cao, từ 18 - 20% và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn. Việc nới lỏng tiền tệ đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để duy trì mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phần nào ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế khi doanh nghiệp hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh vì lo ngại rủi ro lãi suất.
Song, từ đầu năm 2023 tới nay, 4 lần Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành. Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Điều này giúp áp lực tài chính của nhóm doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy lớn trước đó. Đồng thời, lãi suất giảm sẽ kích thích người mua xuống tiền.
Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 5/2023 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng).
Trong đó, tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đồng thời có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản đã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, với vai trò là chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản, giữa tháng 2/2023 có liên hệ nhiều ngân hàng để vay vốn. Dù lãi suất cao song việc vay vốn không dễ dàng, bởi những yêu cầu khắt khe từ điều kiện cho vay của ngân hàng.
“Tuy nhiên, gần đây tôi liên tục được liên hệ mời vay vốn. Và tôi có nói rõ vay mua bất động sản nhưng vẫn được tư vấn nhiệt tình, vui vẻ. Tôi cho rằng, tín hiệu giảm lãi suất thực tế này và việc mở room cho vay bất động sản sẽ giúp thị trường nhanh chóng ấm lên. Theo kinh nghiệm nhiều năm làm bất động sản, tôi cho rằng đến khi lãi suất cho vay xuống khoảng 9% thì chủ đầu tư và nhà đầu tư sẽ mạnh dạn vay vốn”, ông Quê nói.
Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng, sắp tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa. Theo đó, lãi suất ưu đãi năm đầu tiên chỉ vào khoảng 7 - 8%/năm và lãi suất thả nổi khoảng 10,5%/năm. Cùng với việc giảm lãi suất cho vay kích thích kinh tế, lãi suất huy động sẽ giảm mạnh. Do vậy, các nhà đầu tư sẽ rút tiền gửi khỏi ngân hàng để kinh doanh, sản xuất và đầu tư bất động sản.
“Đây là giai đoạn cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản”, ông Nguyễn Anh Quê nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, vào cuối năm 2022, mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đạt mức cao nên người dân bắt đầu chuyển sang gửi tiết kiệm tiền nhàn rỗi vào ngân hàng sau thời gian dài đổ vào bất động sản, khiến thị trường bất động sản bị mất thanh khoản.
Vị này nhận định, cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và đây là lúc nhà đầu tư quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Nếu niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng; còn nếu lãi suất huy động có giảm xuống mức dưới 10% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền nhàn rỗi này có thể quay trở lại, giúp thị trường hồi phục.
Trong một khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn, trong tổng số 1.000 người tham gia khảo sát có tới 61% dự định sẽ mua bất động sản trong 1 năm tới. Điều này cho thấy, tâm lý của người mua đang dần hồi phục hơn so với trước kia, nhất là lúc thị trường bất động sản đang trầm lắng.