Từ những tháng đầu năm 2021, cơn "sốt đất" đổ bộ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước thị trường bất động sản được dịp trở nên sôi động. Theo đó nhiều nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm cũng ôm tiền chạy theo cơn sốt, với lòng tin có thể kiếm tiền từ bất động sản.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định trong các cơn sốt đất chỉ có đầu cơ và số ít người may mắn là thắng cuộc. Khi cơn sốt đất “nguội”, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, huy động vốn khắp nơi phải ngậm trái đắng, đất không bán được, thậm chí phải cắt lỗ.
Đơn cử, anh Xuân Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 3 anh thấy thông tin sốt đất vẫn ngập tràn khắp các trang mạng internet. Hơn nữa, vì tin vào những lời có cánh, cùng khẳng định chắc nịch của môi giới: "Em chắc chắn mảnh đất này chỉ 2 tuần sau có khi anh lãi cả trăm triệu đồng, em sẽ lo tìm khách hàng mua cho anh".
Theo đó, vì không có nhiều kinh nghiệm với thị trường bất động sản, anh Tùng đã không ngần ngại xuống tiền mua mảnh đất tại Bắc Giang, rộng gần 100m2, với giá 2,5 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng là anh Tùng vay mượn.
"Thông tin sốt đất tràn lan, tôi cũng hy vọng kiếm được lời từ việc đầu tư đất. Một thời gian ngắn sau, tôi liên hệ môi giới thì nhận được câu trả lời, thị trường đang tạm chững lại nên không tìm được khách mua. Đến nay, mảnh đất của tôi vẫn chưa thể bán, nên vẫn ôm cả đống nợ", anh Tùng nói.
Tương tự, Thanh Hà, nhà đầu tư tay ngang tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, khoảng tháng 2 vừa qua, thấy nhiều khu vực giá đất vẫn liên tục tăng mạnh, sợ mất cơ hội “đổi đời”, nên trong tay đang có 1,5 tỷ đồng, anh Hà đã lùng sục nhiều nơi để tìm đất.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh Hà quyết định mua mảnh đất rộng 87m2 tại Thanh Oai (Hà Nội) với mức giá 3 tỷ đồng, tương đương 34,4 triệu đồng/m2. “Do khi xuống tiền thị trường bất động sản vẫn nóng và tin lời môi giới, thời gian này lướt sóng vẫn kiếm được tiền chênh, nên tôi không ngần ngại vay 50% giá trị mảnh đất”, anh Hà nói.
Tuy nhiên, đến nay, do cần tiền nên anh Hưng rao bán nhưng vẫn không có người mua. “Tôi đã liên hệ nhiều môi giới, thương lượng với họ sẽ chấp nhận trả phí hoa hồng cao nhưng vẫn không có khách mua. Bây giờ nếu bán nhanh có khi phải cắt lỗ nhưng mới mua mà lỗ cả trăm triệu đồng thì tiếc, trong khi nợ vẫn còn đó”, nhà đầu tư này nói.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh chia sẻ, đầu tư khi “sốt” đất thì chỉ có khoảng 20% là nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, còn lại 80% là các nhà đầu cơ với mong muốn thu được biên độ lợi nhuận tốt trong thời gian ngắn, hoặc thậm chí là lướt sóng từ lúc thị trường bắt đầu lên đến lúc chạm đỉnh. Xu hướng “lướt sóng” khi thị trường bất động sản nóng hổi hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thành thạo thị trường. Các nhà đầu tư “chết” vì sốt đất thường là những người mới, đầu tư chạy theo đám đông, nắm thông tin chậm hoặc ít kiến thức và non kinh nghiệm.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sốt đất là do khi có đầu tư, phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời người có đất.
“Những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ”, vị chuyên gia nêu.
Hơn nữa, giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, thậm chí cả "lướt sóng" giai đoạn đầu. "Hệ lụy của những cơn sốt đất nhìn rất rõ, đó là làm cho thị trường lộn xộn. Một nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, "mua tranh bán cướp" rồi hưởng một số lãi không nhỏ. Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc "sinh tử". Cơ quan quản lý của địa phương thì chỉ đưa ra các khuyến nghị bị động, không có giải pháp gì chủ động. Từ đó dẫn tới thị trường thì lộn xộn, xã hội thì ồn ào như "chợ vỡ", rồi kết thúc bằng cảnh "kẻ khóc, người cười" và cả những nhân vật "dở khóc, dở cười", ông Võ nói.