Nội dung chính
- Sau bốn năm từ 2019 - 2022, đến Quý I/2023 HAGL mới chính thức kiếm đủ lãi gộp để trang trải chi phí tài chính.
- Không cần hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu, HAGL cũng đã có lãi.
- Các khoản nợ vay đến hạn, đặc biệt gần 4.500 tỷ đồng lãi vay phải trả đã tích lũy nhiều năm vẫn là gánh nặng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán HAG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với nhiều kết quả tích cực.
Công ty lãi 303 tỷ đồng sau thuế - tăng 17% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, doanh thu của HAGL trong quý I vừa qua đã tăng hơn gấp đôi, đạt gần 1.700 tỷ đồng. Heo và trái cây tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong doanh thu của HAGL, trên 75%.
Tuy nhiên, do biến động giá heo bất lợi, như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL từng chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, lợi nhuận từ sản phẩm này của công ty chỉ đạt trên 2 tỷ đồng. Trái cây đang “gánh” lợi nhuận cho HAGL với khoản lãi gộp đạt 350 tỷ đồng.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Đức bỏ ngỏ phương án thu hẹp đàn heo nếu giá đầu ra quá thấp. Trong trường hợp ngược lại, HAGL có thể tái đàn với sản lượng không vượt quá 600.000 con, là công suất tối đa của chuồng trại HAGL hiện tại. Sau khi thất bại trong việc phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu, HAGL sẽ không mở rộng quy mô chuồng trại hay vườn cây ăn trái trong năm nay, “bầu” Đức cho biết.
Tin tốt: Lãi gộp đủ trang trải Chi phí tài chính
Quý I/2023, tình hình kinh doanh của HAGL đã lạc quan hơn khi khoản lãi gộp đã chính thức vượt quá chi phí tài chính trong kỳ. Đây là chỉ báo rất quan trọng chứng tỏ hoạt động kinh doanh của HAGL đã bắt đầu ổn định và mang lại lợi nhuận thực.
Dù có lãi trong hai năm gần đây (2021- 2022), lợi nhuận của HAGL chưa thực sự đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà được sự hỗ trợ của khoản Hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi. Bốn năm gần đây (từ 2019 - 2022), lãi gộp của HAGL luôn thấp hơn chi phí tài chính của công ty.
Lãi gộp (lợi nhuận gộp) là khoản lợi nhuận từ kinh doanh, chưa tính các chi phí quản lý, chi phí tài chính, chi phí bán hàng… Nói cách khác, lãi gộp là doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ trừ đi giá vốn hàng bán.
Hoàn nhập dự phòng là bút toán ghi nhận doanh thu khi các khoản dự phòng phải thu khó đòi trước đó “không còn được dùng đến”. Các khoản dự phòng trước đó đã được ghi nhận như một loại chi phí của doanh nghiệp.
Nói cách khác, trong bốn năm liền, các hoạt động chính của HAGL (bao gồm trái cây và heo, cùng một số sản phẩm, dịch vụ khác) chưa đủ cho HAGL trang trải chi phí tài chính. Nếu không có các khoản hoàn nhập dự phòng - được ghi nhận như một khoản doanh thu, HAGL đã thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp.
Trong quý I/2023, HAGL cũng không cần phải hoàn nhập dự phòng mà vẫn có lãi. Trong hai năm gần nhất có lãi (2021 và 2022), HAGL đều hoàn nhập dự phòng lần lượt 891 tỷ đồng và 1.513 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của HAGL trong hai năm này thậm chí còn thấp hơn khoản hoàn nhập dự phòng mà công ty đã ghi nhận.
Tin xấu: Áp lực vay nợ vẫn nặng nề
Báo cáo kiểm toán 2022 của HAGL cho thấy đến thời điểm lập báo cáo (31/3/2023), HAGL vẫn có khoản nợ 279 tỷ đồng đến hạn nhưng chưa thanh toán cho Eximbank theo lịch đã cam kết với ngân hàng này. Khoản nợ đến hạn của HAGL chỉ tương đương 16% doanh thu công ty đạt được trong quý I/2023. Đây là dấu hiệu cho thấy dù kết quả kinh doanh khởi sắc, việc thu xếp nguồn tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn của HAGL vẫn là gánh nặng.
Khoản nợ đến hạn với Eximbank không phải là áp lực duy nhất của HAGL.
Nợ vay của công ty đã giảm đi đáng kể trong suốt 5 năm vừa qua, từ mức hàng chục nghìn tỷ đồng xuống còn hơn 8.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi vay phải trả (và vẫn nợ) của HAGL đã dày lên theo năm tháng.
Tính đến cuối quý I/2023, lãi vay phải trả của HAGL đạt 4.480 tỷ đồng, tương đương quá nửa khoản tiền vay gốc.
Về khoản lãi vay này, trao đổi bên lề cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết các chủ nợ đồng ý thu hồi gốc trước. Khoản lãi vay “treo” ở đó vì vậy không bị tính lãi suất.
Nếu tính cả lãi, nợ vay của HAGL lên tới 12.625 tỷ đồng, tương đương 61% tổng tài sản công ty vào cuối quý I/2023.
Trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh năm 2022, HAGL cho biết công ty đã lập kế hoạch dòng tiền dự kiến sẽ đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác cùng những dự án đang triển khai. Đồng thời, HAGL đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay để điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan.
Trong năm 2023, HAGL có ít nhất 4.000 tỷ đồng nợ vay phải trả, nếu công ty không vay thêm các khoản ngắn hạn trong năm.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quý I/2023 của HAGL chỉ đạt 35 tỷ đồng, rất thấp so với doanh thu công ty đạt được, mặc dù đã cải thiện so với khoản thâm hụt 82 tỷ đồng cùng kỳ 2022. Với tốc độ “tạo tiền” như vậy, việc đảm bảo thanh toán nợ nần, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của công ty là vô cùng khó khăn.