Giá Bitcoin lần đầu biến động ít hơn chứng khoán kể từ năm 2020. Ảnh: Reuters.
Theo CNBC, giá Bitcoin đã mắc kẹt quanh ngưỡng 20.000 USD/đồng suốt một tháng qua. Tuy nhiên, tin tốt với những người ủng hộ tiền mã hóa là giá Bitcoin không còn trồi sụt dữ dội như trước, thậm chí biến động ít hơn chứng khoán.
Theo công ty cung cấp dữ liệu Kaiko, mức độ biến động của Bitcoin hiện thấp hơn chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ.
Cụ thể, hôm 21/10, lần đầu tiên kể từ năm 2020, biến động của giá Bitcoin trong vòng 20 ngày qua đã giảm xuống dưới mức biến động của các chỉ số chứng khoán Mỹ. Hồi đầu tuần, biến động của giá Bitcoin ngang bằng với chỉ số Nasdaq.
Biến động của giá Bitcoin trong vòng 3 tháng qua. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mắc kẹt dưới ngưỡng 21.000 USD/đồng kể từ tháng 9. Ảnh: CoinMarketCap.
Biến động thấp nhất nhiều năm
CNBC cho rằng đây là tin tốt đối với các nhà đầu tư tiền mã hóa lâu năm. Tiền mã hóa vốn nổi tiếng với sự biến động mạnh. Nếu giá Bitcoin và những đồng tiền khác không còn trồi sụt dữ dội, các nhà đầu tư tiềm năng khác có thể giảm bớt lo ngại.
Theo Kaiko, chênh lệch giữa mức độ biến động 30 ngày, 90 ngày giữa Bitcoin và chứng khoán cũng đã được thu hẹp đáng kể trong hơn một tháng qua. Giá Bitcoin không còn lên xuống dữ dội ngay cả khi loại tài sản này rất nhạy cảm với các báo cáo kinh tế vĩ mô.
Mối tương quan giữa Bitcoin và cổ phiếu đã giảm bớt nhưng vẫn ở mức cao.
"Mức độ biến động của Bitcoin đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm", bà Clara Medalie - Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Kaiko - nhận xét. Để so sánh, bà cho biết cổ phiếu lên xuống ít nhất chỉ trong hơn 3 tháng.
Tiền mã hóa vốn nổi tiếng với sự biến động mạnh và dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin kinh tế vĩ mô. Ảnh: Reuters.
"Thị trường chứng khoán đã biến động trong vài tháng qua do lạm phát cao, đồng USD tăng giá, lãi suất tăng, xung đột và khủng hoảng năng lượng", bà bình luận.
"Nhưng dữ liệu chỉ ra các thị trường tiền mã hóa không còn phản ứng mạnh mẽ với những biến động vĩ mô như hồi đầu năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn rất nhạy cảm", bà bình luận.
Hôm 21/10 (theo giờ Mỹ), giá Bitcoin đã rơi xuống dưới ngưỡng 19.000 USD/đồng rồi phục hồi lên 19.131 USD/đồng, đánh dấu mức giảm nhẹ 0,14% so với 24 giờ trước đó.
Bớt nhạy cảm với các thông tin kinh tế vĩ mô
Cùng ngày, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 4,308%, mức cao nhất kể từ năm 2008, rồi quay đầu giảm. Nguyên nhân là thông tin rằng một số quan chức Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) lo ngại về việc thắt chặt chính sách thái quá thông qua những đợt tăng lãi suất điều hành mạnh tay.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các loại tiền tệ chủ chốt khác - cũng nhanh chóng vọt lên ngưỡng cao nhất trong phiên, 113,906 điểm, rồi rơi xuống hơn 112 điểm và xóa sạch mức tăng.
Dữ liệu chỉ ra các thị trường tiền mã hóa không còn phản ứng mạnh mẽ với những biến động vĩ mô như hồi đầu năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn rất nhạy cảm
Bà Clara Medalie - Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Kaiko
Tính đến 13h20, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng vọt 1,79% so với mức đóng cửa phiên liền trước; trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 1,61% và 1,39%.
"Chúng ta đã ghi nhận một số dấu hiệu về việc nhu cầu trên thị trường nhà ở lao dốc, và lạm phát hạ nhiệt trong tuần này. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang cảnh giác cao độ trước cuộc họp của Fed vào tháng 11", ông Yuya Hasegawa - nhà phân tích thị trường điện tử tại sàn giao dịch Bitbank - bình luận.
Theo ông, thị trường có khả năng bỏ qua những tín hiệu cho thấy Fed có thể hành động thận trọng hơn đối với việc tăng lãi suất.
"Từ giờ cho đến cuộc họp tháng 11, chúng ta khó có thể chứng kiến một chuyển biến lớn trên thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, vùng hỗ trợ của giá Bitcoin sẽ ở quanh mức 19.000 USD/đồng", ông dự báo.
Dù đã giảm biến động, giá Bitcoin vẫn lao dốc mạnh trong năm nay. So với mức kỷ lục 68.789 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mất tới 72% giá trị.