Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1.
Theo đó, kết quả có 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số. 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng. Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp với Cục và GACC triển khai theo kế hoạch.
Theo số liệu thống kê của GACC, năm 2022, Trung Quốc chi khoảng 14,6 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây, tăng 8% so với năm 2021. Trong đó, nhập khẩu sầu riêng chiếm gần 30%, tương đương 4 tỷ USD. Hiện, Thái Lan đang là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với 3,85 tỷ USD, chiếm khoảng 96% kim ngạch nhập khẩu.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sầu riêng là trái cây xuất khẩu tăng trưởng cao nhất trong nhóm ngành hàng rau quả trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong quý 1 đạt 153 triệu USD, tăng 8,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc chiếm 83%.
Trước đó, từ ngày 11/7/2022, sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thông quan qua tất cả cửa khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.