Bất động sản

Tình cảnh trái ngược giữa các trung tâm thương mại trên đất vàng

Cùng sở hữu vị trí đắc địa ở trung tâm quận 1, TP.HCM nhưng không phải trung tâm thương mại (TTTM) nào cũng hút khách. Có nơi nhân viên còn đông hơn người tham quan, mua sắm.

Diamond Plaza (quận 1, TP.HCM) luôn là một trong những trung tâm thương mại có tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cao nhất nhì thành phố. Dữ liệu của Colliers trong quý IV/2022 ghi nhận 99% diện tích sàn cho thuê tại đây đã có hợp đồng, với giá thuê bình quân gần 155 USD/m2/tháng, chỉ đứng sau Times Square (quận 1). Dù vậy, chủ sở hữu vẫn không ngại nâng cấp liên tục trong hơn 20 năm qua.

Ngay sau lần cải tạo gần nhất cách đây vài tháng, Diamond Plaza trở thành điểm đặt chân đầu tiên ở Việt Nam của các thương hiệu quốc tế đình đám như hãng nước hoa cao cấp từ Anh Jo Malone, nhà hàng lẩu Beauty in the Pot hotpot. Chanel, Lilliput cũng vừa khai trương cửa hàng mới tại đây.

Dù vậy, theo ghi nhận của Zing, nơi này chỉ nhộn nhịp vào các dịp lễ, Tết khi chủ đầu tư mạnh tay chi cho các khoản trang trí. Những ngày còn lại, không gian tương đối vắng vẻ.

Tối cuối tuần 4/3, nhân viên bán hàng của nhiều thương hiệu quốc tế vẫn thẫn thờ chờ khách. Ở nhiều khu vực từ tầng 1 đến tầng 4, nhân viên còn nhiều hơn người tham quan, mua sắm.

Còn ở tầng 5, nơi tập trung nhiều thương hiệu F&B nổi tiếng, lượng khách cũng chỉ lấp đầy khoảng 20% công suất phục vụ của các nhà hàng, quán cà phê.

Lý giải về tình trạng này, một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ cho rằng tệp khách hàng của Diamond Plaza ở phân khúc cao cấp với ý định mua sắm rõ ràng. "Do đó ít thấy khách dạo quanh, khó tấp nập như những TTTM khác", người này nói với Zing.

Có lẽ vì vậy nên dù không đông đúc, Diamond Plaza vẫn có danh sách khách chờ thuê tương đối dài. Không phải thương hiệu nào cũng có thể mở cửa hàng hay duy trì mặt bằng tại đây. Sắp tới, nơi này sẽ chào đón cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam của chuỗi cà phê đình đám từ Nhật Bản - %Arabica.

Trái ngược với Diamond Plaza, Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) cách đó chỉ khoảng 500 m có không khí nhộn nhịp hơn hẳn. Lý do là phân khúc khách hàng tại đây có phần đa dạng hơn.

Các nhà hàng ở Vincom Đồng Khởi như Haidilao, Chang Kang Kung, Son Tum Thai... luôn xuất hiện tình trạng khách xếp hàng, ngồi chờ vào các buổi tối cuối tuần, lễ, Tết. Đơn cử, ghi nhận của Zing tối 4/3 cho thấy không ít người phải chờ đến 15 phút mới có bàn ăn tại nhà hàng lẩu Haidilao. Các quán cà phê theo chuỗi lớn như Highlands, Cộng Cà Phê, Starbucks... cũng thường đông đúc, nhiều thời điểm kín bàn.

Các cửa hàng thời trang cũng thu hút đông đúc khách mua sắm. Tuy nhiên, đa phần khách tập trung nhiều tại các thương hiệu nổi tiếng như Charles & Keith, Zara, H&M, ALDO...

Nhiều khách xách túi lớn, túi bé chỉ sau 1 giờ đồng hồ mua sắm. Đây cũng là lý do các thương hiệu không ngại chi bình quân 135 USD/m2/tháng để thuê các gian hàng tại đây.

Dù vậy, một số cửa hàng thời trang từ những tên tuổi ít phổ biến hơn vẫn có tình trạng đìu hiu. Không khó để bắt gặp cảnh nhân viên dùng điện thoại để "giết" thời gian tại những gian hàng vắng khách này.

Điển hình, một cửa hàng treo bảng khuyến mại 20% các sản phẩm giày dép, túi xách nhân dịp lễ 8/3 nhưng vẫn không có khách ghé tới.

Chia sẻ với Zing, chị Vy (sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vào cuối tuần thường cùng bạn bè đi ăn uống, xem phim tại Vincom Center Đồng Khởi. "Thỉnh thoảng sẵn dịp đi ăn, tôi sẽ ghé một vài cửa hàng để mua sắm, nhưng tôi chỉ dạo quanh những thương hiệu yêu thích chứ không để ý các chương trình giảm giá", chị nói.

Trong khi đó, khối đế bán lẻ của Bitexco Financial Tower (quận 1, TP.HCM), thường được biết đến với tên gọi Icon68, lại ngày càng vắng bóng cả người tiêu dùng lẫn khách thuê. Tầng trệt tòa nhà chỉ còn lại vài quán cà phê, cửa hàng mỹ phẩm và showcase của Samsung.

Từ tầng 1 trở lên, không khí dần ảm đạm khi hầu hết gian hàng đều đóng cửa. Lượng khách vãng lai đến Bitexco chủ yếu tập trung ở nhà hàng lẩu Haidilao tại tầng 2, hoặc chỉ gửi xe để ghé sang phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Riêng tầng 3 đến tầng 6 trước đây là khu vực ẩm thực, giải trí sôi động nay đã "cửa đóng then cài". Cả thang máy và thang cuốn dẫn lên các tầng này đều không hoạt động. Trong khi tại thời điểm mới đưa vào hoạt động năm 2013, nơi này từng được kỳ vọng trở thành một điểm đến mua sắm lý tưởng tại trung tâm TP.HCM.

Theo đại diện Bitexco, tòa nhà đang được lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp, do đó đơn vị đã chủ động rà soát các hợp đồng thuê và lựa chọn lại các dịch vụ với định hướng khách hàng cao cấp, tinh hoa. Sau này, những nhà hàng sang trọng sẽ được khai trương, đài quan sát Saigon Skydeck cũng được nâng cấp.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/tinh-canh-trai-nguoc-giua-cac-trung-tam-thuong-mai-tren-dat-vang-post1409045.html