Ngày 11/10, lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết đã tham mưu UBND tỉnh này về việc đề nghị Bộ Công Thương cung ứng khẩn 73.560 m3 xăng dầu cho các thương nhân. Đề xuất này nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị đứt gãy từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ.
Toàn tỉnh Kiên Giang có 608 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống phân phối của 8 thương nhân phân phối có trụ sở tại địa phương và 15 thương nhân phân phối ngoài tỉnh.
Những ngày qua, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Kiên Giang đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình này ngày nghiêm trọng hơn khi có nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa, thông báo hết xăng dầu.
Một cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex Kiên Giang đã kéo cửa rào vào ngày 10/11. Ảnh: Phương Vũ.
Anh Nguyễn Minh Thuận, ở huyện U Minh Thượng cho biết đã đi gần 8 km mới tìm được chỗ mua xăng. Thiếu xăng, dầu khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn.
“Mấy cây xăng ở vùng U Minh Thượng thường xuyên hết hàng. Nhiều người cần nhiên liệu phải chạy qua huyện khác để mua”, anh Thuận nói.
Theo Sở Công Thương Kiên Giang, hoạt động kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng. Các thương nhân phân phối xăng dầu phụ thuộc vào các thương nhân đầu mối nhưng các thương nhân đầu mối chỉ cung ứng nhỏ giọt, thậm chí hết hàng, chờ vận chuyển hàng…
Hiện nay, các thương nhân phân phối xăng dầu chỉ có khả năng đảm bảo cung ứng trong hệ thống theo tiến độ 2-3 ngày. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được các thương nhân phân phối xăng dầu cung ứng cầm chừng, mỗi lần cấp chỉ 1-3 m3, cách nhau 3-5 ngày. Lượng xăng dầu này các cửa hàng chỉ bán được 2-3 ngày, dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ.
Còn theo Cục Quản lý thị trường Kiên Giang, lực lượng kiểm tra chưa phát hiện cây xăng nào găm hàng. Số lượng cây xăng đóng cửa thường biến động vì khi có hàng thì mở cửa bán, hết hàng lại đóng cửa.