Năm 2022, Apple trở thành công ty công nghệ đầu tiên cung cấp khả năng nhắn tin vệ tinh cho các thiết bị của mình. Trong đó, Táo khuyết giới thiệu tính năng này dành cho iPhone 14 như một hệ thống gọi trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.
Cho tới năm nay, các công ty khác đã sẵn sàng nhảy vào cuộc cạnh tranh với Apple, biến việc nhắn tin qua vệ tinh trở thành một “biên giới mới” cho lĩnh vực smartphone, theo Cnet.
“Tôi nghĩ năm 2023 chắc chắn sẽ là năm của kết nối vệ tinh di động. Mọi người đang sử dụng nó và mỗi người dùng sẽ có cách tận dụng tính năng này theo cách khác nhau”, Avi Greengart, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Techsponential nhận định.
Sự khởi đầu chật vật
Tuy hữu ích và mới lạ, tính năng nhắn tin qua vệ tinh không dễ dàng như việc thêm một ứng dụng nhắn tin vệ tinh và bổ sung sóng vệ tinh vào điện thoại. Các hệ thống vệ tinh quay quanh Trái Đất có chi phí vận hành và bảo trì thấp, giống như hệ thống điện thoại và Internet di động.
Apple cho biết họ sẽ cung cấp cho chủ sở hữu iPhone quyền truy cập miễn phí vào các dịch vụ khẩn cấp trong 2 năm sau khi họ mua thiết bị, nhưng không đề cập đến các năm tiếp đó. Các hệ thống nhắn tin vệ tinh khác vẫn chưa ra mắt và dường như Apple có khả năng tính phí người dùng để có đặc quyền.
Hiện tại, công nghệ vệ tinh trên điện thoại chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp và chỉ có trên smartphone cao cấp như dòng iPhone 14 của Apple, với giá khởi điểm từ 799 USD. Điều đó làm cho công nghệ này trở thành một tính năng mà phần lớn người dùng không sử dụng thường xuyên. Theo đó, người dùng smartphone không hy vọng mình rơi vào tình trạng nguy hiểm để phải kích hoạt tính năng này.
Ngược lại, với mục đích sử dụng trong các trường hợp đặc biệt, bà Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu của IDC tin rằng nó sẽ thu hút những người thường xuyên du lịch ở vùng núi, những tay đua trên sa mạc và những người lái xe tải khi sóng di động không đáp ứng đủ. Tuy nhiên, đối với những người khác, đây không phải là một tính năng quá cần thiết khi họ mua smartphone.
Thay vào đó, nó giống như điểm thú vị đi kèm trên một chiếc điện thoại thông minh đã quá hiện đại, vốn là sự kết hợp của nhiều công nghệ trong một thân máy nhỏ gọn.
Không phải công nghệ đặc biệt
Trên phim ảnh, điện thoại vệ tinh đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ. Nó từng được xuất hiện trong bộ phim kinh dị kinh điển Under Siege năm 1992 của Steven Seagal hay vào năm 2001 trong Công viên kỷ Jura III.
Mặc dù các phiên bản điện thoại vệ tinh trong đời thực không thú vị như trên phim nhưng chúng rất hữu ích. Họ sử dụng mạng lưới hàng chục vệ tinh quay quanh Trái Đất cứ sau 90 phút hoặc lâu hơn để chuyển tín hiệu xuống mặt đất.
Hệ thống đầu tiên trong số này là Iridium, ra mắt vào năm 1998 và có thể cung cấp kết nối thường xuyên cho khách du lịch. Gần đây, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng đẩy mạnh ý tưởng này thông qua chương trình Starlink với mục đích bao phủ Internet trên toàn cầu.
Trong số các nhà sản xuất smartphone, Apple là công ty đầu tiên ra mắt tính năng nhắn tin vệ tinh trên dòng iPhone 14. Táo khuyết đã hợp tác với GlobalStar, công ty có phạm vi phủ sóng ở Mỹ, Châu Âu, Úc và một số khu vực ở Nam Mỹ. Do đó, Apple cũng chỉ kích hoạt tính năng nhắn tin vệ tinh ở một số quốc gia trong phạm vi phủ sóng của GlobalStar.
Ngược lại, đầu tháng 1, Qualcomm đã tiết lộ một tính năng mới sắp có trên điện thoại Android cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn qua vệ tinh. Nó sử dụng mạng Iridium và Qualcomm cho biết tính năng này có phạm vi phủ sóng trên toàn cầu.
Xu hướng cho lĩnh vực smartphone
Tất nhiên, ngành công nghiệp điện thoại thông minh thường không quá thành công với các công nghệ mới. Nhìn chung, nhiều nhà phân tích coi quá trình chuyển đổi sang mạng không dây 5G trong vài năm qua là một sự thất vọng, đặc biệt do phạm vi phủ sóng không đồng đều và tốc độ đôi khi chậm như hơn dịch vụ 4G.
Việc nhắn tin qua vệ tinh có thể còn phức tạp hơn so với 5G, đặc biệt khi nó phụ thuộc vào sự sẵn có của các vệ tinh và mức độ chưa được kiểm chứng khi hoạt động với số lượng lớn yêu cầu từ người dùng.
Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu có vẻ đầy hứa hẹn, theo Cnet. Tại CES 2023, Qualcomm đã đưa các phóng viên ra ngoài Las Vegas để thử nghiệm tính năng vệ tinh Snapdragon và nó đã hoạt động khá hiệu quả. Ngoài ra, tác giả Patrick Holland của Cnet cũng thử nghiệm tính năng SOS khẩn cấp của Apple trên iPhone 14 và nó hoạt động hoàn toàn ổn định.
Đây dường như là bước tiến tiếp theo của lĩnh vực smartphone khi sử dụng vệ tinh để hỗ trợ mạng di động và giữ liên lạc. Ngay cả khi hầu hết mọi người sẽ không bao giờ gặp tình trạng nguy hiểm, tính năng này vẫn hoạt động như một mạng lưới an toàn, giúp người dùng có thể được hỗ trợ nếu muốn đi những chuyến du lịch xa.
Ngoài ra, một số người dùng iPhone 14 được cho đã được cứu nhờ tính năng tin nhắn khẩn cấp. Nếu không có tính năng nhắn tin vệ tinh của iPhone, người dùng sẽ không thể yêu cầu dịch vụ khẩn cấp và không ai có thể biết để tìm kiếm họ, cảnh sát trưởng hạt Los Angeles, John Gilbert chia sẻ với Los Angeles Times.