UBND tỉnh Trà Vinh mới đây đã ban hành Quyết định số 743/QĐ-UBND tiếp tục bổ sung 8 dự án điện gió vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2024 thuộc Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh năm 2024.
Cụ thể, 8 dự án nhà máy điện gió tại tỉnh Trà Vinh sẽ có tổng công suất là 464 MW. Trong đó, huyện Duyên Hải có 4 dự án gồm: Nhà máy điện gió Đông Hải 3 (vị trí V3-3) (48 MW), Nhà máy điện gió Duyên Hải 2 (96 MW), Nhà máy điện gió V1-1 Trà Vinh giai đoạn 2 (48 MW), Nhà máy điện gió Long Vĩnh (48 MW). Thị xã Duyên Hải có 4 dự án gồm: Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng (48 MW), Nhà máy điện gió V1-3 giai đoạn 2 (48 MW), Nhà máy điện gió V1-5, V1-6 giai đoạn 2 (80 MW), Nhà máy điện gió số 3 (vị trí V3-8) (48 MW).
8 dự án điện gió này cũng là những dự án phù hợp với định hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh Trà Vinh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung khai thác tối đa công suất các nhà máy nhiệt điện hiện có, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn năng lượng điện gió, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến nay, danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2024 tỉnh Trà Vinh có 46 dự án, trong đó: lĩnh vực Công nghiệp có 3 dự án; lĩnh vực Giáo dục và đào tạo có 1 dự án; lĩnh vực Thương mại, du lịch và dịch vụ có 13 dự án; lĩnh vực Hạ tầng xã hội – Đô thị và môi trường có 18 dự án; lĩnh vực Nhà ở xã hội độc lập có 3 dự án; lĩnh vực năng lượng tái tạo có 8 dự án.
Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã cấp chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió với tổng công suất 666 MW bao gồm: 5 dự án điện gió với công suất 322 MW đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia; 4 dự án điện gió với công suất khoảng 344 MW đang triển khai đầu tư.
Tỉnh cũng có 1 dự án điện mặt trời công suất 140 MW đã phát lên lưới điện quốc gia; 1 dự án điện sinh khối công suất 25 MW.
Từ trước đến nay, tỉnh Trà Vinh được xem là một trong những tỉnh tiên phong trong việc phát triển các dự án năng lượng gió, nơi đặt nhà máy hydro điện xanh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng khoảng 341 triệu USD (dự kiến sẽ vận hành trong năm 2024, ban đầu sản xuất 24.000 tấn hydro và 195.000 tấn oxy mỗi năm).
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc với mục tiêu đến năm 2030.
Với tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh đặt mục tiêu là tỉnh phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.